Hỏi: Cháu nhà tôi bị chứng Eisenmenger bẩm sinh, xin tòa soạn giải thích dùm bệnh này là loại bệnh gì?
Trả lời: Chúng ta biết rằng tim có cấu tạo gồm hai phần: tim phải chứa máu đen (nghèo oxy) và tim trái chứa máu đỏ (giàu oxy). Máu đen biến thành máu đỏ khi tuần hoàn đi qua phổi (nhận oxy) và máu đỏ biến thành máu đen khi tuần hoàn qua các cơ quan (cung cấp oxy).
Trong một số trường hợp
bệnh tim bẩm sinh tạo ra các đường thông nối hai buồng tim như: thông liên thất (có lỗ thủng ở vách liên thất), thông liên nhĩ (lỗ thủng ở vách liên nhĩ), còn ống
động mạch (nối liền động mạch chủ ở tim trái và
động mạch phổi ở tim phải), thân chung động mạch (động mạch phổi và
động mạch chủ cùng thân) sẽ dẫn đến máu đen và máu đỏ thông thương nhau. Thường thì áp lực các buồng tim ở bên trái luôn cao hơn nên máu đỏ từ bên trái sẽ chảy sang bên phải làm dòng máu lên động mạch phổi tăng. Điều này không những làm tăng áp lực máu lên phổi mà còn tạo gánh nặng cho tim trái (hoạt động nhiều hơn để bù đắp lượng máu chạy sang phải), cuối cùng thì chức năng tim trái bị suy giảm. Đến một lúc nào đó nếu áp lực bên phải tăng lên (áp lực
động mạch phổi) trên áp lực tim trái thì máu đen sẽ tràn vào tim trái trộn lẫn máu đỏ ở đây để đi đến các cơ quan, tất nhiên máu này có hàm lượng oxy thấp hơn bình thường nên sẽ gây ra tím tái ở nơi nhìn thấy được mao mạch. Thậm chí khi tim trái bóp thì máu đỏ sang tim phải và tim phải bóp thì máu sang tim trái tạo ra luồng thông hai chiều. Ngoài
bệnh tim bẩm sinh thì một số phẫu thuật có thể tạo ra luồng thông như: phẫu thuật tạo cầu nối chủ phổi, cầu nối động mạch dưới đòn và động mạch phổi, cầu nối động mạch chủ lên hoặc xuống với động mạch phổi.
Tuy nhiên, không phải tất cả tổn thương tạo luồng thông giữa tim phải và tim trái đều gây ra hội chứng Eisenmenger, theo các chuyên gia thì chỉ có những lỗ thông lớn và bệnh lý mạch phổi gây tăng áp thì mới tạo ra các triệu chứng. Do đặc điểm nêu trên, hội chứng Eisenmenger thường xuất hiện trước tuổi trưởng thành nhưng cũng có thể xảy ra ở tuổi vị thành niên hoặc trẻ nhỏ.