Cháu hay bị nổi mẩn và ngứa da vùng đầu, mặt, cổ mà không hiểu do nguyên nhân gì. Cháu đã đi khám và điều trị nhiều nơi bằng cả thuốc Đông y và Tây y nhưng không khỏi mà ngày càng nặng thêm. Xin hỏi có phải cháu bị viêm da dị ứng không? Chữa bằng thuốc gì?
Theo thư cháu viết thì nhiều khả năng cháu bị viêm da dị ứng. Viêm da dị ứng là bệnh viêm da mạn tính khó chẩn đoán và khó điều trị. Biểu hiện là dị ứng ở da do sự đáp ứng quá mức đối với các kháng nguyên trong môi trường. Bệnh hay gặp ở người có bệnh sử cá nhân hay tiền sử gia đình về các bệnh dị ứng có liên quan như hen suyễn, hoặc do tiếp xúc với các hóa chất, bụi, phấn hoa, thực phẩm... là tác nhân gây dị ứng. Vì nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp nên muốn điều trị hiệu quả phải loại trừ được nguyên nhân gây dị ứng. Hội Dị ứng Miễn dịch châu Âu và Hội Dị ứng - Hen phế quản Mỹ vừa đưa ra hướng dẫn điều trị theo các bước từ 1 - 4 tùy theo mức độ nặng của bệnh. Các thuốc sử dụng điều trị viêm da dị ứng bao gồm: thuốc bôi corticosteroid, ức chế calcineurin, doxpin, kem kháng sinh khi có bội nhiễm. Sử dụng tia UV với liều thích hợp để điều trị, thuốc uống kháng histamin, uống kháng sinh nếu tình trạng bội nhiễm nặng không kiểm soát được bằng kháng sinh tại chỗ. Thuốc ức chế miễn dịch đường uống như corticosteroid, cycloporin A, azathioprin điều trị giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên khi có các bệnh phối hợp như hen phế quản, viêm mũi dị ứng. Trong trường hợp bệnh nặng không kiểm soát được bằng một loại thuốc đơn độc, bệnh nhân sẽ được chỉ định liệu pháp điều trị kết hợp nhiều loại thuốc.
Như vậy, việc điều trị viêm da dị ứng là rất phức tạp nên phải do bác sĩ chuyên khoa khám chỉ định dùng thuốc cũng như theo dõi khi điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân cần biết cách kiểm soát các yếu tố làm nặng bệnh như vệ sinh môi trường sống, chế độ ăn giàu dinh dưỡng, không hút thuốc lá, rượu bia, không mặc quần áo có chất liệu tổng hợp, len, nên sử dụng sữa tắm trung tính, nước tắm có độ nóng vừa phải để bảo vệ tính axít sinh lý của da; có thể chăm sóc da bằng kem dưỡng ẩm với người có cơ địa da khô... Nếu cháu đã điều trị nhiều lần mà bệnh vẫn nặng lên thì cháu nên đến khám tại chuyên khoa miễn dịch dị ứng lâm sàng để xác định nguyên nhân và dùng thuốc thích hợp với mức độ của bệnh.