Cháu 30 tuổi, gần đây cháu rất hay bị chóng mặt, đau đầu, khó kiềm chế cảm xúc, đo huyết áp thấy có dấu hiệu tăng. Cháu được biết người cao tuổi thì hay bị huyết áp cao nhưng tại sao trẻ như cháu lại bị và có nguy hiểm không, thưa bác sĩ?
Thông thường tăng huyết áp không gây cho bạn cảm giác khó chịu, nhất là ở thời gian đầu. Trong vài trường hợp, người bệnh cảm thấy chóng mặt hay choáng váng. Khi bệnh tăng huyết áp đã tiến triển nặng, người bệnh sẽ thấy hụt hơi, đau tức ở ngực, xây xẩm, chóng mặt, đau nhức đầu, đột nhiên không nhìn được trong giây lát, chảy máu cam... Tăng huyết áp ở người trẻ (dưới 35 tuổi) là dạng bệnh lý khá phổ biến hiện nay, tình trạng huyết áp tăng cao gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe và hiệu quả công việc. Dấu hiệu không điển hình của tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp... và có thể ảnh hưởng đến cả chuyện ấy. Để phòng ngừa tăng huyết áp ở người trẻ tuổi nên áp dụng chế độ ăn khoa học: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ. Hạn chế uống nhiều rượu. Nên rèn luyện thân thể, thường xuyên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, mỗi lần khoảng 30-45 phút. Nếu phải điều trị dùng thuốc, người bệnh nên tuân thủ lời dặn của bác sĩ, không nên tự ý ngừng thuốc.