Tôi bị đau bụng vùng hạ sườn phải, đi khám siêu âm bác sĩ cho biết bị sỏi mật. Xin hỏi nguyên nhân nào dẫn đến sỏi mật, cách phòng chữa như thế nào?
Sỏi mật chỉ hiện tượng hình thành sỏi trong túi mật hoặc các ống dẫn mật. Sỏi mật thường là hậu quả của tình trạng một hoặc vài thành phần của dịch mật bị vón cục, do rối loạn chuyển hóa, hoặc do viêm nhiễm.
Sỏi mật hay gặp ở những người ăn uống không điều độ, no đói thất thường, nhất là những người ăn quá nhiều chất béo. Trong chất béo có nhiều cholesterol - thành phần quan trọng tạo nên sỏi mật; giun sán sinh sống ở ruột chui ngược lên đường mật chết ở đây (trứng và xác giun sán là những yếu tố thận lợi hình thành sỏi); phụ nữ béo mập, sinh đẻ nhiều lần và những người ít vận động, thiếu thể dục thể thao... Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 30 - 50% trường hợp sỏi mật không có chứng trạng gì đặc biệt. Bệnh chỉ được phát hiện nhờ siêu âm ổ bụng nhân một dịp kiểm tra sức khỏe toàn diện.
Triệu chứng của bệnh sỏi mật rất đa dạng, tùy thuộc vào vị trí, kích thước, tính chất của sỏi và diễn tiến của bệnh. Sỏi túi mật thường ít khi gây đau thắt, chỉ gây cảm giác khó chịu, trướng đầy ở bụng trên hoặc ở sườn phải, nóng dạ dày, ợ hơi, ợ chua... Những triệu chứng trên thường bộc lộ rõ hơn sau một bữa ăn nhiều chất béo. Sỏi ống túi mật và sỏi ống mật chủ thường gây nên những cơn đau kịch liệt, kiểu đau quặn hay đau thắt.
Về điều trị: Có nhiều phương pháp như nội khoa (dùng thuốc làm tan sỏi) hoặc can thiệp ngoại khoa (lấy sỏi qua đường nội soi dạ dày tá tràng, lấy sỏi qua da, phẫu thuật kinh điển (mổ mở) và hiện nay phần lớn là phẫu thuật nội soi lấy sỏi).
Để phòng ngừa bệnh, cần ăn ít chất béo, nhất là các chất béo có nguồn gốc động vật như mỡ, hạn chế đồ ăn có nhiều cholesterol; vệ sinh trong ăn uống, ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn; định kỳ tẩy giun sán nếu có; những bệnh nhân đã mổ sỏi mật nên siêu âm định kỳ để phát hiện sỏi tái phát.