Cháu tôi bị sốt, gia đình nghĩ rằng cháu chỉ bị cảm sốt nên để cháu ở nhà. Đến 3 ngày sau thấy cháu mệt quá gia đình mới đưa đi khám thì mới biết cháu bị sốt xuất huyết nặng độ 3, phải điều trị tại bệnh viện. Xin hỏi bác sĩ, sốt xuất huyết độ nào là nặng, độ nào là nhẹ?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virut Dengue gây nên. Người ta phân chia sốt xuất huyết làm 4 độ từ nhẹ đến nặng: Độ 1: bệnh nhân sốt cao đột ngột liên tục từ 2 - 7 ngày; dấu hiệu dây thắt dương tính. Độ 2: triệu chứng như độ 1, có thêm các nốt xuất huyết dưới da hay niêm mạc, thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong hai cánh tay, bụng đùi. Có chảy máu mũi, lợi, kết mạc, đi tiểu ra máu, gan to. Độ 3: có thêm triệu chứng suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, hạ huyết áp, da lạnh ẩm, bệnh nhân có biểu hiện bứt rứt vật vã hay li bì. Độ 4: bệnh nhân bị sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, không đo được huyết áp. Tuy nhiên, bệnh có thể chuyển từ độ nhẹ sang độ nặng.
Phân độ sốt xuất huyết như trên có ý nghĩa rất quan trọng để điều trị bệnh. Nếu sốt xuất huyết độ 1, độ 2 phần lớn được điều trị tại nhà hoặc theo dõi tại y tế cơ sở, điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm các triệu chứng tiền sốc để xử trí kịp thời. Dùng thuốc paracetamol hạ sốt, tuyệt đối không dùng các thuốc hạ sốt: aspirin, analgin, ibuprofen vì làm bệnh nặng lên. Cho bệnh nhân uống dung dịch oresol để bồi phụ nước và điện giải, uống thêm nước trái cây, nước cháo, truyền dịch. Sốt xuất huyết độ 3, 4 phải điều trị tại bệnh viện để xử trí sốc mới giảm được tỷ lệ tử vong. Khoảng thời gian bệnh diễn biến từ độ 1 đến độ 3 là rất quí báu để điều trị khỏi bệnh cho hầu hết bệnh nhân. Nếu đã bị sốc ở độ 4 thì dù có điều trị nhưng việc cứu sống bệnh nhân là rất khó khăn.