Mẹ tôi 56 tuổi, vừa rồi phải nằm điều trị ở bệnh viện vì bị viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu. Tôi nghe nói bệnh này rất dễ tái phát và chuyển thành mạn tính. Như vậy có đúng không và làm thế nào để chữa khỏi bệnh hoàn toàn? Tôi xin cảm ơn!
Bệnh viêm cầu thận thường xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn ở họng, ngoài da. Vi khuẩn gây bệnh là liên cầu tan máu bêta nhóm A chủng 12. Bệnh thường khởi phát đột ngột, có thể có dấu hiệu báo trước như mệt mỏi, chán ăn, tức mỏi vùng lưng, sốt, viêm họng. Có 3 dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh là: phù, đái ra máu và huyết áp cao. Ngoài ra còn có các dấu hiệu như tiểu ít, suy tim.
Điều trị bệnh này chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trước hết, bệnh nhân cần ăn nhạt và hạn chế uống nước. Dùng thuốc lợi tiểu furosemid viên uống hoặc tiêm tĩnh mạch khi có phù phổi cấp. Furosemid được sử dụng khi bệnh nhân có tăng huyết áp, suy tim sung huyết và phù nề. Các thuốc hạ huyết áp khác có thể dùng là thuốc giãn mạch alphamethyldopa; chẹn canxi nifedipine, amlor…; thuốc an thần.
Thường trong vòng một tuần sau điều trị, bệnh nhân sẽ tiểu tốt, các triệu chứng phù, tăng huyết áp sẽ giảm. Nếu không đáp ứng, đái ít, ure, creatinine máu, kali máu tăng cao thì có chỉ định lọc máu ngoài cơ thể.
Dùng kháng sinh: penicillin hoặc kháng sinh thích hợp khi còn dấu hiệu nhiễm liên cầu. Bệnh nhân có thể được bác sĩ cho dùng extacilline (benzathyl benzypenicilline) mỗi tháng 2,4 triệu đơn vị để phòng tái nhiễm liên cầu, thời gian dùng thuốc phải theo đơn của bác sĩ.
Khi mắc bệnh, người bệnh cần được nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý: ăn nhạt, hạn chế ăn thức ăn giàu đạm, khi có suy thận ure máu cao thì tăng các loại khoai thay cho gạo, mỳ, khi có thiểu niệu thì bỏ tạm rau quả đề phòng kali máu tăng.