Cháu năm nay 23 tuổi,cháu đi chụp X-Quang chuẩn đoán bệnh bị viêm khớp cùng chậu hai bên,viêm dây chằng dọc sau cột sống.Cháu cảm thấy rất tê mỏi khi thời tiết thay đổi.Cháu nghe nói uống thuốc tây có nhiều tác dụng phụ như hại dạ dày và có thể dẫn tới bị giòn xương.Nghe nhiều người nói nên dùng thuốc đông y hơn vì nó ít tác dụng phụ và và hiệu quả lâu hơn,cháu đang phân vân vì không nên chữa trị theo cách nào,hiện cháu đang uống thuốc tây thấy cơn đau có giảm .xin hỏi các bác sĩ cháu nên chữa theo cách nào thì tốt hơn và cho cháu hỏi bệnh này có chữa trị khỏi hẳn được không vì cháu nghe nói bệnh này không chữa khỏi hoàn toàn được mà nếu cháu cứ uống thuốc tây mãi thì rất hại dạ dày,mong các bác sĩ cho cháu một lời khuyên .Cháu xin chân thành cảm ơn
Viêm khớp cùng chậu hai bên là một triệu chứng rất thường gặp của bệnh viêm cột sống dính khớp, thuộc nhóm các bệnh khớp liên quan đến cột sống. Các triệu chứng thường gặp là: đau vùng thắt lưng kéo dài, đau cả vùng xương chậu và xương cụt, đau khi ngồi lâu, cứng và tê xuống hai chân, hạn chế cúi, ngửa, xoay... do cứng cột sống thắt lưng, lưng và cổ.
Viêm cột sống dính khớp thường gặp ở nam giới (90%), người trẻ tuổi (80% là người dưới 30 tuổi). Bệnh liên quan chặt chẽ tới yếu tố cơ địa (đa số người bệnh mang kháng nguyên HLA B27) và có tính chất gia đình.
Tuy nhiên, trong thư bạn không nói rõ tình trạng của các khớp khác như khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân... nên chúng tôi không thể trả lời cụ thể được. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm vì bệnh viêm cột sống dính khớp thường tự giảm dần hoạt tính sau tuổi trưởng thành. Đối với bạn, việc tập luyện, vận động có thể sẽ là biện pháp chính, chứ không thể chỉ dựa vào thuốc.
Để điều trị viêm khớp cùng chậu, hiện nay thường chỉ định dùng các kháng sinh như doxycyclin 100mg uống 2 lần hoặc amoxycyclin 500mg, 3 lần/ngày, dùng liên tục trong 2-4 tuần; dùng các thuốc chống viêm, giảm đau, tiêm corticoid vào khớp cùng chậu. Trong trường hợp nặng cần phải dùng thêm cefotaxime, ceftriaxone kèm với metronidazole, azithromycine, roxithromicine, clindamycine, gentamycine... Ngoài ra, ở giai đoạn lui bệnh, người bệnh cần tập thể dục để duy trì các chức năng vận động của cột sống, tránh các tư thế xấu sau này.
Tóm lại, viêm khớp cùng chậu là một bệnh khớp thường có tiến triển mạn tính, kéo dài, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Do vậy, người bệnh cần phải chú ý, hiểu biết hơn về bệnh này để có thể chủ động phát hiện và đến khám chữa bệnh kịp thời ở các chuyên khoa cơ xương khớp.
Bạn nên đến khám tại các khoa nội chuyên về cơ xương khớp. Tùy tình trạng bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ cho thuốc điều trị, hướng dẫn cách tập phù hợp nhất và theo dõi lâu dài nếu cần.
Chúc bạn sức khỏe!
Bs.GiaThuoc