Hiện nay tôi đang bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, đang điều rị nhưng không biết có khỏi luôn hay không, hay bị tái lại lần nữa . Có di truyền cho con sau này không ?
Xuất huyết giảm tiểu cầu là một trong những căn bệnh thường gặp. Bệnh biểu hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau. Nhẹ thì xuất huyết dứơi da. Trường hợp nguy hiểm có khả năng dẫn tới xuất huyết nội tạng hay xuất huýêt não, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng cho bệnh nhân suốt đời.
Triệu chứng
Nhẹ: Xuất huyết dưới da dưới dạng chấm nhỏ li ti, dạng nốt như muỗi đốt hoặc thành đám, mảng lớn, khu trú ở một vài nơi hoặc rải rác khắp người; xuất huyết niêm mạc như chảy máu nướu răng, chảy máu cam, giác mạc.
Nặng: Có thể xuất huyết bất kỳ nơi nào như chảy máu đường tiêu hóa; tiết niệu, sinh dục... Biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não - màng não.
Nguyên nhân
Rất phức tạp. Các nguyên nhân xác định được như: Do bị các bệnh nhiễm trùng nặng, nhiễm ký sinh trùng (sốt rét...), nhiễm siêu vi trùng (cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi...). Các bệnh có lách to (xơ gan, cường lách). Các bệnh tự miễn (ban đỏ rải rác, viêm nút động mạch, viêm đa khớp dạng thấp). Các bệnh về máu (suy tủy xương, xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch, ung thư nơi khác xâm lấn vào tủy xương; thiếu máu tiêu huyết tự miễn...) Ngoài ra, còn phải kể đến các trường hợp giảm tiểu cầu do thuốc (một số thuốc cảm cúm, an thần, hạ nhiệt, kháng sinh, thuốc nam, thuốc bắc không rõ loại...) và do độc chất. Nhiều trường hợp giảm tiểu cầu không xác định được nguyên nhân còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Ngày nay, có nhiều bằng chứng kết luận do nguyên nhân tự miễn, nên còn gọi là giảm tiểu cầu miễn dịch (PTT).
Chẩn đoán
Cần phải được làm các xét nghiệm chẩn đoán đầy đủ trước tình trạng xuất huyết tự phát: Huyết đồ (kiểm tra số lượng tiểu cầu nhiều lần); tủy đồ; đông máu toàn bộ, các xét nghiệm về chức năng gan, thận.
Ðiều trị
- Tránh tất cả các thủ thuật chọc dò, phẫu thuật, nhổ răng, tiêm chích trong cơ.
- Truyền tiểu cầu chỉ là phương thức điều trị thay thế, tạm thời để cầm máu hoặc đề phòng biến chứng xuất huyết nặng, nguy hiểm có thể xảy ra.
1. Các trường hợp có căn nguyên: Ðiều trị chủ yếu theo căn nguyên.
2. Các trường hợp không có căn nguyên (PTI): Các loại corticoides là thuốc lựa chọn hàng đầu, chủ lực. Cắt lách được chỉ định khi bệnh trở thành mãn tính phải phụ thuộc vào corticoides hoặc không còn đáp ứng với corticoides. Sau cắt lách, nếu tái phát, có thể phối hợp với các loại thuốc ức chế miễn dịch khác như: Immuran, Purinéthol, Vincristin, Endoxan...
Đây là căn bệnh nguy hiểm nhưng không phải là không có cách đối phó. Chỉ cần bệnh nhân cẩn thận trong sinh hoạt, không chạy nhảy hay vận động mạnh, không ăn những vật cứng (mía, xương...), không đánh răng hoặc xỉa răng... Nếu bệnh nhân là trẻ em gia đình phải tuyệt đối tránh tình trạng trừng phạt các em bằng đòn roi. Như vậy sẽ hạn chế được rất nhiều những nguy hiểm mà căn bệnh đem đến.
Khi thấy những triệu chứng như: thâm quầng, sưng tấy, xuất huyết (răng, mũi, ngoài da...), đau đầu không rõ nguyên nhân phải nhập viện ngay để kịp thời điều trị. Có thể truyền khối tiểu cầu vào cơ thể bệnh nhân nếu lượng tiểu cầu giảm nhiều, hoặc cầm máu tại chỗ (bằng những biện pháp đặc biệt) và dùng thuốc đặc trị kết hợp với các loại vitamin để nâng cao thể trạng.
Đây không phải bệnh di truyền, nhưng là chứng bệnh hay tái phát nên muốn điều trị ổn định, bệnh nhân phải có kế hoạch khám định kỳ hằng tháng để kịp thời theo dõi diễn biến của bệnh. Trên cơ sở đó y bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Nhiều trường hợp nhờ điều trị đúng cách bệnh nhân đã khỏi hẳn.
Chúc bạn sức khỏe!
Bs.GiaThuoc