Gần đây, con tôi ăn nhiều nhưng không tăng cân, cháu hay kêu khát nước, mệt mỏi. Tôi đưa cháu đi khám và bác sĩ phát hiện cháu mắc bệnh tiểu đường ở giai đoạn 1. Ngoài việc dùng thuốc theo đơn, xin bác sĩ tư vấn cho cách vận động, ăn uống để hạn chế bệnh.
Hiện nay, tình trạng trẻ em mắc bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố như di truyền, dinh dưỡng không hợp lý khiến trẻ béo phì... Vấn đề điều trị trẻ bị tiểu đường khá khó khăn vì bản thân trẻ chưa ý thức được bệnh để phòng tránh. Vì vậy đòi hỏi sự sát sao của phụ huynh trong quá trình điều trị. Theo các nhà chuyên môn, để hạn chế tiểu đường ở trẻ, cách tốt nhất là có một chế độ ăn lành mạnh bao gồm nhiều chất xơ, ít chất béo và tăng cường vận động cho trẻ. Tuy nhiên, không nhất thiết phải kiêng khem quá mức khiến trẻ lại thiếu hụt dinh dưỡng. Cụ thể là hạn chế ăn ngọt, uống nước có ga, các loại quả ngọt sấy khô, đồ chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, ăn các đồ rán, xào. Không nên cho trẻ ăn những thực phẩm quá mặn, không để trẻ sử dụng nhiều đồ ăn đông lạnh, không cho trẻ dùng những thức ăn có chứa chất màu tổng hợp và đặc biệt không để trẻ dùng thức uống của người lớn và ăn quá thừa chất dinh dưỡng. Thực phẩm cần cho trẻ ăn là ngũ cốc nguyên hạt như ngô, khoai, các loại rau, quả chín như rau bí, rau muống, quả cam, táo, lê...; các thực phẩm có chứa nhiều vitamin, sắt, acid folic. Bên cạnh việc ăn uống, vận động, các bậc phụ huynh lưu ý tới việc kiểm tra thường xuyên nồng độ đường trong máu của trẻ sẽ có giải pháp thích hợp.