em tôi 6 tuổi,bị nổi ban đỏ trên mặt,tai,khớp chân,cổ chân và chân.đi khám bác sĩ nói em tôi bị viêm mao mạch dị ứng.em tôi trong 2 tuần tăng 2 kg.có phai do viêm mao mạch dị ứng ko?hay bệnh của em tôi đã liên quan tới thận?
Bệnh viêm mao mạch dị ứng (còn được biết với nhiều tên gọi khác như Hội chứng viêm mạch Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ...) là một bệnh tự dị ứng không rõ căn nguyên, có tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch ở nhiều cơ quan, chủ yếu liên quan đến da, thận, ruột và khớp, được Henoch và Schonlein (người Đức) mô tả lần đầu tiên năm 1837. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi với 50% các trường hợp xảy ra trước 5 tuổi và 75% xảy ra trong độ tuổi 3-10, độ lưu hành bệnh trong độ tuổi từ 2-16 khoảng 2%, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới gấp 2 lần nữ. Mặc dù nguyên nhân gây bệnh chính thức còn chưa được xác định nhưng đa số các trường hợp bệnh xảy ra sau nhiễm một số chủng vi khuẩn hoặc virut như liên cầu nhóm A, Mycoplasma, Varicella virus, cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, Parvovirus B19, Campylobacter.
Về đặc điểm lâm sàng, bệnh thường xuất hiện hoặc nặng lên về mùa đông xuân, các biểu hiện hay gặp nhất là nổi ban xuất huyết dạng chấm và nốt ở mặt gấp của cẳng tay, cẳng chân, mông và đùi, sưng đau khớp, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa, viêm cầu thận, đi tiểu ra máu. Một số biểu hiện hiếm gặp có thể xảy ra như viêm cơ tim, viêm tinh hoàn, hôn mê, co giật.
Điều trị
Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm mao mạch dị ứng, các biện pháp điều trị chủ yếu nhằm mục đích hỗ trợ và bảo tồn. Trong giai đoạn cấp, tất cả các bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại giường, để cao chân, dùng vitamin C liều cao, uống nhiều nước và bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những bệnh nhân chỉ có ban xuất huyết đơn thuần thường đáp ứng tốt với các biện pháp bảo tồn này, ít khi phải dùng thuốc điều trị khác. Các điều trị triệu chứng như dùng thuốc chống viêm giảm đau cho các trường hợp có sưng đau khớp, thuốc lợi niệu (nếu bệnh nhân có suy thận), hạ huyết áp (nếu có tăng huyết áp) cũng rất cần thiết trong điều trị bệnh.
Mặc dù còn có những tranh cãi xung quanh vai trò của glucocorticoid (prednisolon, methylprednisolon...) trong điều trị viêm mao mạch dị ứng, nhưng rất nhiều nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng các thuốc này làm giảm triệu chứng và ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh, đặc biệt là tổn thương thận. Glucocorticoid thường có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở da và khớp sau khi dùng từ 24-48 giờ. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn được chỉ định trong các trường hợp có đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận hoặc ở các bệnh nhân có đau khớp không đáp ứng với các thuốc chống viêm giảm đau. Ngoài ra, theo một số nghiên cứu, việc dùng sớm glucocorticoid ở những bệnh nhân chưa có tổn thương thận có thể hạn chế được sự xuất hiện các tổn thương này. Liều khởi đầu 1-2mg/kg/ngày, giảm dần liều, thời gian sử dụng tùy thuộc vào đáp ứng của người bệnh, đặc biệt tổn thương thận. Liều rất cao của glucocorticoid (500-1.000mg methylprednisolon trong 3 ngày liên tục) được chỉ định trong các trường hợp viêm cầu thận tiến triển nhanh hoặc các trường hợp nặng không đáp ứng với liều thông thường.
Các thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamid, cyclosporin, azathioprin được dùng phối hợp với glucocorticoid ở những bệnh nhân có tổn thương thận không đáp ứng với glucocorticoid đơn thuần.
Các phương pháp điều trị khác như dapsone, immunoglobulin truyền tĩnh mạch, gạn huyết tương cũng được chứng minh là có hiệu quả làm chậm sự tiến triển của tổn thương thận trong viêm mao mạch dị ứng.
Gia đình bạn nên đưa bé đi khám và điều trị sớm!
Chúc bé mau khỏe!