Xin chào các bác sĩ
Con gái tôi hơn 3 tuổi cháu rất hay bị ốm nhất là khi trở trời hoặc giao mùa cháu hay bị sổ mũi, ho, khò khè thở rít đi khám bác sĩ bảo là cháu bị (co giãn phế quản thể hen) tôi đã cho cháu đi khám rất nhiều nơi uống nhiều loại thuốc khác nhau nhưng cứ trở trời là cháu lại bị lại, cháu ăn uống tốt nhưng lại rất bé (còi xương). Vậy mong các bác sĩ giúp tôi cách khắc phục bệnh tật, hoặc chỉ cho tôi biết chỗ nào chữa được khỏi hẳn cho con gái tôi, và các bác sĩ giúp tôi lên thực đơn cho cháu xin chân thành cảm ơn các bác sĩ nhiều , mong sớm nhận được hổi âm của các bác xin các bác trả lời vào hòm thư của tôi càng sớm càng tốt
Xin trả lời câu hỏi của chị như sau:
1/Triệu chứng như trẻ hay ốm, sổ mũi, ho thở rít khi thay đổi thời tiết hoặc khi giao mùa có lẽ là cháu đã bị hen phế quản.
1.1/Theo quan điểm về chẩn đoán bệnh hen phế quản hiện nay thì bác sĩ phải nghĩ đến bệnh hen ở bất kỳ trẻ nào có triệu chứng khò khè và cần cân nhắc chẩn đoán khi trẻ có những triệu chứng sau:
- Khò khè tái phát thường xuyên trên 1lần trong một tháng
- Hoạt động mạnh cũng gây ho hoặc khò khè
- Ho thường xuất hiện về đêm và gần sáng
- Khò khè không thay đổi theo mùa
- Các triệu chứng dai dẳng sau 3 tuổi
- Trẻ thường bị cảm lạnh mà người ta quen gọi là “nhập vào phổi”, hoặc trên 10 ngày mới khỏi
- Các triệu chứng trên được cải thiện khi được điều trị bằng thuốc chống hen (thuốc cắt cơn và chống viêm), nặng lên khi tiếp xúc với các yếu tố như: khói thuốc, động vật nuôi có lông, bụi, phấn hoa, …hoặc khi thay đổi cảm xúc
- Tiền sử trẻ có thể mắc viêm mũi dị ứng, eczema hoặc cha mẹ bị bệnh hen
1.2/ Theo quan điểm mới trong việc điều trị hen trẻ em hiện nay là:
- Việc chẩn đoán hen quan trọng hơn là mức độ nặng nhẹ của hen vì việc chẩn đoán bệnh hen ở trẻ em còn gặp nhiều khó khăn cũng như việc điều trị hen ở trẻ em hiện nay chưa kịp thời và hiệu quả, tỉ lệ dự phòng hen của trẻ em rất thấp.
- Hen thể nhẹ cũng có thể gây tử vong khi lên cơn khó thở nặng (cơn hen nặng)
- Việc dùng thuốc dự phòng hen sớm là cần thiết để giảm nặng của thể hen cũng như phòng tránh cơn hen tái phát. Hen có thể kiểm soát tốt nếu trẻ được chẩn đoán đúng, sớm và điều trị theo dõi, quản lý hiệu qủa
- Dùng test chẩn đoán hen một cách khách quan trước khi điều trị dự phòng
- Chẩn đoán hen ở trẻ nhỏ dựa vào tiền sử, lâm sàng và điều trị thử.
- Thuốc dùng cho bệnh nhân hen nhất là trẻ em ưu tiên sử dụng thuốc dạng xịt hoặc khí dung chủ yếu có tác dụngtại chỗ nên giảm thiểu tối đa tác động của thuốc lên toàn cơ thể.
Vì vậy chị nên cho trẻ đi khám và điều trị chuyên khoa hô hấp Nhi để các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác cũng như có phác đồ điều trị cụ thể bệnh cho cháu.
Chị cũng nên chú ý tới môi trường sống của trẻ để có thể phòng, tránh cơn hen của trẻ như: phòng ngủ của trẻ và các đồ dùng phải tránh nguy cơ gây dị ứng cho trẻ, không dùng thảm trải nhà, không khí trong phòng thường xuyên phải lưu thông, ga gối của trẻ phải được giặt giũ thường xuyên để tránh bọ chét, mạt nhà gây kích thích dị ứng cho trẻ, nên dùng ga bọc đệm và gối bằng đồ vải tổng hợp, tránh dùng đồ len, không nuôi vật nuôi trong nhà như chó mèo, tránh những đồ chơi có bụi hoặc có lông, tránh cho trẻ tiếp xúc với lạnh, ẩm, bụi khói, thuốc lá …
Chúc bé của chị luôn khoẻ
Bs Phạm Thanh Thuỷ