Con trai tôi 5,5 tháng rất biếng ăn, không chịu bú, mỗi lần bú chỉ một tí rồi quay ra. Thấy con không chịu bú tôi đã cho con an thêm nước cháo và bột từ khi 4tháng, nhưng mỗi lần ăn cũng chỉ được non nửa bát ăn cơm thôi . Và cháu rất hay khóc đêm, giấc ngủ không sâu, hay giật mình.Vì thế nên cân nặng của cháu chỉ có 5.8kg.Biết là cháu thiếu cân nhưng tôi không biết làm cách nào để cải thiện sức khoẻ của cháu. có người mách tôi trộn B1 vào bột cho cháu ăn, để ăn nhiều và ngủ ngon hơn, tôi đang băn khoăn không biết có nên làm theo không. Xin các bác cho tôi một lời khuyên nhé. Tôi mới bắt đầu cho cháu ăn thêm cốm vi sinh VIABIOVIT được 2 bữa rồi. tôi đang rất hy vọng vào cách này.Đây là đứa con đầu lòng nên tôi rất hoang mang khi thấy con chậm lớn, và luôn luôn chăn trở vì điều này. Mong các quý Bác gần xa chia xẻ cùng tôi nhé.RẤT CẢM ƠN.
Chào bạn, câu hỏi của bạn cũng là sự băn khoan của nhiều bà mẹ. Chúng tôi xin trả lời các vấn đề mà bạn quan tâm như sau:
1. Em bé 5,5 tháng tuổi, lười bú.
Bạn cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú mẹ xem bé có bị một trong những nguyên nhân sau không:
- Trẻ bị bệnh, bị nghẹt mũi, bị nấm miệng.
- Trẻ quá nhỏ (dưới 1.800gr), không đủ sức mút vú mẹ.
- Trẻ xa mẹ, không được bú thường xuyên, không có sự tiếp xúc da kề da (hơi ấm) của mẹ (cần gần gũi ẵm bồng và nói chuyện với trẻ thường xuyên, khi cho bú cũng như lúc trẻ chơi. Nên để mẹ ngủ cùng con, cho trẻ bú nhiều lần bất cứ khi nào trẻ muốn).
- Trẻ bú bình (nếu cần thì cho trẻ uống sữa bằng muỗng hay ly).
- Tư thế bú sai, khiến trẻ không ngậm bắt vú tốt (cần bế trẻ đúng tư thế, đầu và thân thẳng hàng, bụng áp sát bụng mẹ, đỡ vai mông trẻ, mũi trẻ phải đối diện vú mẹ)…
Khắc phục:
- Nếu bé lười bú do bệnh tật... thì biếng ăn là chuyện đương nhiên, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị bệnh, phải kiên trì dỗ dành cho trẻ ăn ít một, chia thành nhiều bữa trong ngày, khi khỏi bệnh trẻ sẽ thèm ăn trở lại. Lúc này cần phải cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường.
- Cho trẻ bú nhiều lần theo nhu cầu, nếu trẻ lười bú người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống. Tuổi từ 2 tháng trở lên bắt đầu trẻ thích quan sát và hóng chuyện, giờ bú hai mẹ con phải vào buồng riêng không có người khác, không có tiếng tivi... để trẻ tập trung bú.
2. Nên cho trẻ ăn đúng theo độ tuổi, chỉ cho ăn bột khi 6 tháng tuổi trở lên và ăn cháo từ một tuổi trở lên.
- Thức ăn đầu đời của bé thường là bột sữa hoặc bột mặn (bột thịt, cá...); trái cây chín mềm (chuối, đu đủ, xoài, hồng...) nạo mịn bằng thìa, khoai tây, bí đỏ, đậu phụ tán nhuyễn trộn sữa... Khi tập ăn dặm, nên cho bé nếm 1-2 thìa loãng rồi cho bú. Nếu bé chịu ăn, không ói ọc, không sình bụng, không bị tiêu chảy, có thể tăng dần. Trường hợp bé có biểu hiện khác lạ, nên tạm ngưng 1-2 tuần rồi mới tập ăn trở lại với lượng thức ăn ít và loãng hơn. Mỗi khi cho bé ăn một loại thức ăn mới, cần theo dõi khả năng hấp thu của bé trong 5-7 ngày, sau đó tăng dần độ đặc và lượng thức ăn và tiếp tục tập thêm một loại thức ăn mới.
- Từ tháng thứ 6, bạn nên cho bé ăn thêm dần các loại rau củ khác nhau. Từ đây bạn bắt đầu cho bé ăn thêm các loại thịt trắng như thịt gà, lợn, bê. Bạn cho tất cả rau củ cùng vài lát thịt thái mỏng vào nấu nhừ và xay nhiễn như bột cho bé ăn, không nên chỉ ninh lấy nước nấu bột. Đặc biệt không cho bé ăn nước xương ninh hàng ngày, xương chỉ cho nhiều chất mỡ, béo, rất khó tiêu, trong khi bé lại cần chất đạm từ thịt.
- Từ tháng thứ bẩy hoặc tháng thứ 8 bạn có thể cho thêm dần các loại ngũ cốc vào bữa ăn của bé như gạo hoặc những thực phẩm làm từ bột mì. Bạn chỉ việc cho cùng ngũ cốc vào nấu cũng các nguyên liệu trên rồi xay như vẫn làm. Bạn cũng cho thêm dần ít muối, thật ít thôi, và chút dầu ăn. Bạn vẫn cho bé ăn khẩu phần sữa buổi trưa nhưng bạn cũng sẽ để ý thấy bé ăn tăng dần số lượng bữa ăn trưa và bỏ dần bữa sữa, điều này là bình thường và nếu bé không còn muốn uống sữa sau khi ăn thì bạn đừng ép, có thể cắt bữa sữa của buổi trưa.
Bữa ăn thêm buổi chiều của bé, ngoài hoa quả nghiền, bạn có thể cho bé ăn thêm một hộp sữa chua, như của Vinamilk là được, vẫn cho bé uống sữa sau đó.
Hoa quả cho bé ăn nguội, sữa chua lấy ra khỏi tủ lạnh 15' cho bớt lạnh trước khi khi cho bé ăn. Nếu bạn thấy bé muốn nhấm nháp một chiếc bánh qui thì cũng cho bé ăn, chọn loại bánh qui bơ, dễ tan, ít đường.
Ngoài ra, bữa ăn tối (ở tháng thứ 8 ), nếu bé bú sữa mẹ thì bạn có thể cho bé ăn thêm bữa ăn dặm, không muộn quá, chọn thực đơn dễ tiêu, tránh các loại rau có ga làm đầy bụng như cải bắp, su hào... Sau đó là khẩu phần sữa buổi tối. Nếu bé ăn sữa bột, không bú mẹ, mà bạn thấy bé chưa cần phải ăn dặm bữa tối thì có thể cho ít bột ngũ cốc nêu có, hoặc nước cháo đặc vào bình sữa bột của bé.
- Từ tháng thứ 9 trở đi hãy cho bé ăn tất cả mọi thứ, bé có quyền ẩm thực như chúng ta, bạn chỉ không cho cay, hoặc không nấu quá mặn, không dùng đường mà thôi.Từ tháng này, bạn cho bé ăn thêm cá tươi, trứng gà nữa. Trứng gà chỉ nên ăn một lần trên tuần, bạn đem luộc chín, tách lấy lòng đỏ, ban đầu chỉ cho ăn một nửa là đủ. Sở dĩ không cho bé ăn lòng trắng là vì lòng trắng vừa khó tiêu lại vừa dễ gây dị ứng ở trẻ.
Nếu bé có biểu hiện thích ăn cháo, bạn vẫn nấu bữa ăn như trên, khi được, bạn vớt lấy phần rau củ, thịt hoặc cá, đem xay nhiễn, để một bên đĩa, phần cháo để một bên, để bé phân biệt mùi vị khác nhau của thức ăn, cháo không bị xay nát, bé rất thích. Vẫn cho bé ăn bữa sữa buổi tối.
Trẻ từ 9 tháng tuổi trở ra sẽ tăng cân chậm, vì vậy bạn đừng sốt ruột. Khi bé được một tuổi hoặc một tuổi rưỡi, bạn có thể chuyển thẳng từ sữa bột sang sữa tươi. Sữa tươi nguyên chất đủ tiêu chuẩn là loại sữa có hàm lượng chất béo là 3,8 %. Ban đầu bạn đem hoà thêm 1/4 nước lọc vào khẩu phần sữa tươi của bé. Nước cam vắt bạn cũng làm tương tự như vậy.Nhớ đừng cho bé uống nước cam vào buổi tối, vitamin C giữ cho bé tỉnh táo và hiếu động hơn.
Nếu ở độ tuổi ăn dặm mà trẻ biếng ăn, cũng cần phải tìm hiểu rõ các nguyên nhân gây biếng ăn của trẻ:
- Tình trạng nhiễm trùng sốt cao trên 39 độ C (dẫn tới ức chế các men tiêu hóa) hay gặp trong viêm đường hô hấp, viêm tai giữa... hoặc trẻ suy dinh dưỡng: những trường hợp này nên bổ sung đa vitamin, vi lượng, yếu tố điện giải (ORS) và men tiêu hóa trong 5 - 7 ngày sẽ giúp giảm triệu chứng biếng ăn.
- Các bệnh toàn thân: Thiếu máu, còi xương lâu ngày... trong trường hợp này cần điều trị bệnh để cải thiện triệu chứng biếng ăn.
- Các biểu hiện viêm loét tại chỗ niêm mạc lưỡi, miệng, họng, răng gây đau cần điều trị đúng nguyên nhân.
- Do chất lượng khẩu phần ăn chưa hợp lý
Trong một thời gian dài nếu ăn không đa dạng thực phẩm mà quá thiên về một loại nào đó có thể gây thiếu các vitamin (đặc biệt vitamin nhóm B nếu ăn gạo xay xát quá kỹ, ít ăn đạm động vật, thiếu vitamin C nếu ít ăn hoa quả tươi...), thiếu các vitamin tan trong dầu như A, D... (do ăn thiếu các thành phần này hoặc do không cho trẻ ăn dầu mỡ trong bữa ăn dặm), thiếu các yếu tố vi lượng (như kẽm nếu ăn ít thức ăn nguồn gốc hải sản, sắt, magiê...), hoặc thiếu lysin (axit amin có tác dụng kích thích khẩu vị tốt trong những trường hợp ăn ít đạm động vật...) dẫn đến thiếu các thành phần quan trọng trong chức năng chuyển hóa, tiêu hóa của cơ thể.
Trong những trường hợp này cần đưa bé đi khám tại các cơ sở chuyên khoa về dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn hợp lý và bổ sung các yếu tố thiếu hụt.
Bạn tuyệt đối không nên nghe lời khuyên trộn B1 vào thức ăn cho bé, nên bổ sung vitamin nhóm B từ các loại cốm vi sinh.
3. Việc sử dụng cốm vi sinh cho trẻ:
Các loại cốm vi sinh cũng có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa nhưng chỉ có tác dụng giúp thức ăn dễ tiêu hơn chứ không làm bé ăn ngon hơn. Trẻ biếng ăn nếu có nguyên nhân rõ ràng như bị bệnh lý, rối loạn tiêu hóa,... thì cần điều trị nguyên nhân. Trong đa số trường hợp, chỉ cần thay đổi cách chăm sóc bé, áp dụng chế độ dinh dưỡng phù họp với tuổi là bé có thể ăn uống bình thường. Các loại thuốc được cho là để điều trị biếng ăn nói chung chỉ hỗ trợ rất ít vào chuyện làm cho bé ăn ngon hơn và chỉ nên dùng nếu được thầy thuốc ghi toa.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!
Bs.GiaThuoc