Xin hỏi nên tắm cho trẻ bằng những loại cây gì thì tốt
Thời gian vừa qua, rất nhiều bệnh nhi sơ sinh mới 2-3 tuần đã phải nhập viện vì lở loét khắp người. Các mẹ cho biết, theo sự mách bảo của mọi người từ kinh nghiệm nuôi con dân gian để lại, họ đã dùng rất nhiều loại lá có trong tự nhiên, cho vào đun sôi với nước hoặc vò trực tiếp lá tươi vào nước ấm rồi tắm cho trẻ... Sau khi khám bệnh, bác sỹ chuyên khoa khẳng định, trẻ bị nhiễm trùng da và có thể để lại di chứng trên người suốt đời. Vì sao lại thế?
Ai cũng tưởng những lá dùng để tắm cho trẻ theo dân gian là vô hại nhưng không phải vậy. Tắm nước dừa chỉ làm da thêm bẩn, vì lượng đường nhiều là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, da của trẻ sơ sinh rất mỏng, dễ bị tổn thương và dẫn đến nhiễm trùng da. Tự ý dùng nước lá sài đất và chân vịt tắm cho trẻ không hết chốc lở mà còn bị nhiễm khuẩn da nặng, thậm chí theo bác sỹ Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), điều trị không kịp thời thì có nguy cơ còn bị thêm nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra, trẻ còn có thể nhiễm một số mầm bệnh khác lên da. Mùa hè, mùa thời tiết giao mùa như hiện nay, tắm cho trẻ bằng những loại lá cần phải thận trọng. Vì một số loại lá cây, mọc ở bờ, bụi, nếu không được rửa sạch thì sẽ tồn tại nhiều vi khuẩn gây bệnh, thậm chí khi đã đun sôi thì mầm bệnh chưa hẳn đã được tiêu diệt hết. Nó vẫn có nguy cơ gây bệnh, vì da trẻ rất mỏng, dễ tổn thương trước sự tác động từ bên ngoài vào. Biểu hiện thường thấy của bệnh là trẻ bị dị ứng, nổi mụn nhỏ, đỏ trên da; sốt, toàn thân hoặc một phần cơ thể mẩn đỏ. Có bệnh nhi bị viêm nhiễm ở vùng mặt, đầu, cổ, nơi tập trung nhiều mạch máu, gần hệ thần kinh, nhiễm trùng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời. Do đó, nếu không được điều trị kịp thời thì ngoài việc phải điều trị dài ngày thì việc để lại di chứng trên da là điều khó tránh khỏi. Bác sỹ Lê Tố Như, khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng không phải trường hợp nào tắm lá cũng gây các phản ứng trên da. Một số biện pháp dân gian như tắm bằng quả mướp đắng, lá chè tươi, tắm chanh hay một số loại lá cây khác đều bình thường và ở một khía cạnh nào đó là có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải da của trẻ sơ sinh nào cũng thích ứng được với những loại nước lá và quả đó. Bởi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, da có những đặc tính rất khác biệt như mỏng, chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, với các chức năng bảo vệ kém nên rất dễ nhiễm khuẩn. Do đó, việc làm sạch da hằng ngày bằng các loại sữa tắm diệt khuẩn, có độ PH phù hợp sẽ tránh gây ra những kích ứng hay dị ứng cho da của trẻ. Nếu không có điều kiện, dùng nước lọc để tắm hằng ngày cho trẻ cũng rất an toàn. Bác sỹ Hồ Xuân Vương, chuyên khoa da liễu, Bệnh viện Da Liễu cho biết: Hàng ngày tắm cho trẻ để cho sạch da. Nếu nước tắm không sạch, có nghĩa là đã dùng nước bẩn bịt kín lỗ chân lông, làm cho da không thoát được nên gây ra mẩm ngứa, mụn nhọt. Vì thế khi tắm cho trẻ, cần nước sạch, không có vi khuẩn, vi trùng.
Như vậy, kinh nghiệm dân gian là rất tốt nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp. Vì thế, cha mẹ trẻ cần cẩn thận khi tắm cho trẻ bằng các loại nước lá, quả. Khi phát hiện những biểu hiện bất thường trên da trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở chuyên khoa khám và điều trị ngay, tránh để xảy ra những biến chứng có hại cho da và sức khoẻ của bé.
Chúc bạn sức khoẻ.