Con tôi hiện đang được 17 tháng, khoảng 3 tuần trước đây ở chân và tay cháu xuất hiện các nốt đỏ như con rôm hoặc to như nốt muỗi cắn. Cháu ngứa và gãi các nốt này , sau đó các nốt này chảy nước và lan rộng ra, khoảng 1 ngày sau đóng vảy rồi lại bong ra và tiếp tục lan rộng sau 2 ngạy Tôi đã khám ở 2 bệnh viên. một nơi bảo là viêm da dị ứng, một nơi bảo là chàm thể tạng,Vậy xin hỏi con tôi mắc 1 hay cả 2 bệnh này, việc điều trị và kiêng khem như thế nào cho hợp lí , Xin chân thành cảm ơn .
Chàm thể tạng (còn gọi là lác sữa) là một bệnh viêm da rất hay gặp ở trẻ em. Trẻ mắc bệnh này cần kiêng bú sữa bò và ăn trứng vì những thực phẩm đó làm bệnh nặng thêm. Theo các bác sĩ da liễu, không nên cho trẻ bị chàm thể tạng nhập viện vì môi trường bệnh viện dễ làm cho bé bị nhiễm trùng.
Bệnh có khuynh hướng xuất hiện nhiều trong những gia đình có người mắc phải các vấn đề về thể tạng như sốt theo mùa, hen hay viêm mũi dị ứng. Đây là một hiện tượng viêm bì - thượng bì, nguyên nhân rất phức tạp. Biểu hiện lâm sàng điển hình là những mảng hồng ban có mụn nước, ngứa. Bệnh kéo dài. Người bị bệnh thường có phản ứng với một số chất gặp hằng ngày như bụi nhà, phấn hoa và thức ăn (sữa, trứng, đồ biển...).
Các triệu chứng bệnh thường bắt đầu xuất hiện khi trẻ 3-6 tháng tuổi, với mảng hồng ban ở mặt (không có quanh miệng, mắt). Những mảng này tiến triển thành mụn nước, rịn nước và rất dễ bị nhiễm trùng thứ cấp. Bệnh nhân ngứa dữ dội, gãi ngay cả lúc ngủ. Trong giai đoạn này, cha mẹ nên dùng những dung dịch đắp ướt lên vùng tổn thương. Tắm nước ấm sẽ làm cho bệnh nhân đỡ ngứa.
Khi các mảng này tróc vẩy, những đường nứt mờ không rõ, bệnh nhân cảm thấy ngứa vừa phải, đau như bị châm chích và có cảm giác bỏng. Lúc này, cần dùng các loại kem bôi lên vùng tổn thương đó.
Ở giai đoạn tiếp theo, các vùng tổn thương trở thành những mảng da dày, tăng sừng, có vết trầy xước. Mức độ ngứa từ vừa phải đến không chịu được. Bệnh nhân càng gãi, da càng dày. Để điều trị, cần dùng những loại mỡ tan sừng và cho bệnh nhân thuốc uống chống ngứa. Trong giai đoạn này, không nên cho bệnh nhân tắm quá lâu để tránh làm khô da; cắt ngắn móng tay để trẻ khỏi gãi. Ngoài ra, có thể sử dụng các chất làm ẩm da, mặc cho trẻ quần áo nhẹ làm bằng sợi bông. Tránh các chất và vật dụng có thể gây dị ứng.
Chú ý:
- Nhớ dùng thuốc trong các đợt bệnh bộc phát. Điều quan trọng trong bệnh chàm là cắt đứt cái vòng luẩn quẩn: ngứa rồi gãi, càng gãi càng ngứa.
- Nếu bị nhiễm trùng thứ cấp, có thể dùng Ampicilline, Amoclavic. Ngoài ra, có thể dùng các vitamin A, B1, B2, B6, B12, PP, C, E; Fulseed, Cystine B6, Hyposulfene.
- Thuốc chống ngứa bao gồm: Pheramine 4 mg, Fastcet 10 mg hay Clarityl 10 mg. Tuy nhiên, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để có chỉ định cụ thể.
Chúc bạn và bé sức khoẻ.