Vừa qua do ốm nên tôi đi khám sức khỏe tình cờ phát hiện u sợi tuyến vú. Tuy nhiên chưa có điều kiện nhập viện nên tôi rất lo lắng. Xin bác sĩ cho biết bệnh điều trị thế nào và có nguy hiểm không, thưa bác sĩ?
U sợi tuyến vú thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 18 - 40. Đa phần các u này đều lành tính, không chuyển thành ung thư. Nguyên nhân là các tiểu thùy ở tuyến vú tự nhiên phì đại trong thời kỳ trưởng thành, dậy thì ở nữ và đa phần là lành tính. Nhưng sẽ có một số khối u đặc, nhạy cảm với nội tiết tố, nhất là estrogen, có nguồn gốc từ các cấu trúc cơ thượng mô nằm lân cận các ống sữa bên ngoài các tiểu thùy. Khối u này xâm lấn vào các mô chung quanh, đẩy những mô này sang một bên mà không xâm lấn chúng. Người bệnh có thể có vài khối u lớn nhỏ khác nhau ở một vú, cũng có khi ở cả hai vú. Các khối này lại thường không đau, chỉ khi tới kỳ kinh mới có thể cảm thấy hơi đau hoặc thấy khối u hơi lớn lên.
Khi được chẩn đoán bị u sợi tuyến vú, đừng quá lo lắng vì đây là một loại u lành và sau khi phẫu thuật bóc tách có thể tái lại tùy theo cơ địa mỗi người. Hiện tại nếu các u sợi tuyến dưới 2cm và không đau thì bác sĩ chỉ cần theo dõi bằng khám lâm sàng, siêu âm và nhũ ảnh khi đã xác định chính xác bằng sinh thiết nhờ kim nhỏ (FNAC).
U này tự giới hạn khi tuổi càng lớn. Nếu u sợi trên 3cm thì có thể tiểu phẫu, mổ theo đường quầng vú để giữ độ thẩm mỹ. Hiện nay có 2 phương pháp điều trị u tuyến sợi vú không để lại sẹo xấu như việc phẫu thuật lấy u. Đó là phương pháp đốt bằng nhiệt lạnh hay đốt bằng sóng cao tần. Bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò siêu âm để xác định chính xác vị trí của khối u rồi đưa nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao trực tiếp vào khối u làm phá hủy tế bào khối u. Phương pháp này chỉ cần gây tê tại chỗ là đủ. Song lưu ý, đốt nhiệt lạnh thì khối u không mất ngay lập tức mà nó sẽ teo dần theo thời gian. Việc sử dụng phương pháp điều trị nào cần có sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ chuyên khoa để tránh xảy ra tai biến.