Con gái tôi 12 tuổi người gầy yếu, hay ốm đau. Thỉnh thoảng cháu lại bị một cơn chóng mặt (không đau đầu), buồn nôn (nôn thốc, nôn tháo không còn gì trong bụng) sau đó chóng mặt chỉ nằm không dậy được. Tôi cho cháu đi khám và điện não đồ, bác sĩ nói không sao và cho uống thuốc tuần hoàn não nhưng một thời gian cháu lại bị như vậy. Xin hỏi cháu bị bệnh gì, nên dùng thuốc nào cho khỏi hẳn, có ảnh hưởng đến trí nhớ không?
Trẻ em gái ở tuổi con chị là lứa tuổi mới lớn, bước vào thời kỳ dậy thì nên có thể có những biểu hiện thay đổi về tâm, sinh lý khiến cha mẹ lo lắng về sức khỏe. Với các triệu chứng chị trình bày trong thư, con gái chị có thể bị chứng thiếu máu do thiếu sắt. Chị nên chú ý bồi dưỡng cho cháu bằng chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất và cho uống thêm viên sắt theo chỉ định của thầy thuốc. Hiện nay trên thị trường có các thuốc kết hợp sắt với acid folic, vitamin nhóm B rất cần thiết cho trẻ gầy yếu, hay ốm đau, do thiếu máu.
Ngoài ra, chứng chóng mặt, buồn nôn ở lứa tuổi này cũng có thể do rối loạn vận mạch kiểu đau nửa đầu (migraine) khá phổ biến, đặc biệt ở học sinh gái. Bệnh có tính chất gia đình và thường biểu hiện khu trú ở một bên đầu, diễn biến có tính chu kỳ với các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng. Nguồn gốc của bệnh này là do sự rối loạn co giãn các mạch máu não, tuy nhiên, nguyên nhân gây rối loạn co giãn mạch vẫn chưa rõ ràng. Một số yếu tố thuận lợi đó là bệnh thường khởi phát xung quanh lứa tuổi dậy thì và có tính chất gia đình, thường là mẹ bị thì con gái cũng bị. Bên cạnh đó, chu kỳ kinh nguyệt và các yếu tố tâm lý, cảm xúc cũng ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh. Bệnh thường khởi phát sau một hoạt động gắng sức, sau khi bị nhiễm trùng hoặc ăn một số loại thức ăn như sữa bò, trứng, socola...
Điều trị triệu chứng bằng một trong những thuốc giảm đau như aspirin, paracetamol... kết hợp với nghỉ ngơi yên tĩnh. Lưu ý: hạn chế một số loại thức ăn có thể gây cơn đau đầu ở trẻ như socola, sữa bò, trứng, pho-mát. Lứa tuổi này các cháu đang trong giai đoạn phát triển, cơ thể chưa ổn định, tâm sinh lý dễ bị ảnh hưởng của môi trường sống. Do đó, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm và giúp đỡ cháu vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Chị nên cho cháu đến cơ sở khám bệnh chuyên khoa để làm đầy đủ các xét nghiệm và điều trị, dùng thuốc theo hướng dẫn. Những thuốc gợi ý nêu trên chỉ là để tham khảo, việc dùng thuốc cụ thể phải rất thận trọng và có chỉ định của thầy thuốc sau khi khám thực thể.