em năm nay 22 tuổi, em lập GĐ đã gần 2 năm. E đi khám bác sỹ cho biết em bị đa nang buồng trứng, em đã đi chữa trị từ tháng 01/2009 nhưng vẫn không được khả thi,từ lúc điều trị đến nay em phát hiện mình bị mất kinh đã 2 lân. E đa đi khám lại và được biết buồng trứng trái của em có nang noãn d=19mm,buồng trứng trái bình thương.Em rất mong bác sỹ tư vấn gíp em cách chữa trị, và dùng thuốc như thế nào ? Em xim chân thành cảm ơn !
Hội chứng buồng trứng đa nang được đặc trưng bởi sự hiện diện của hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm kèm theo vô kinh hoặc thiểu kinh và các rối loạn lâm sàng khác như béo phì, rậm lông...
Biểu hiện ban đầu của hội chứng này là kinh nguyệt không đều, thường là dài, số lượng máu kinh ít thất thường. Tuổi dậy thì kéo dài 2-3 năm, sau giai đoạn này kinh nguyệt sẽ đều. Sau vài năm mà vẫn không thấy kinh đều thì có thể đã mắc hội chứng này. Nếu không điều trị gì, 17% trường hợp vẫn có thể mang thai tự nhiên. Số còn lại sẽ diễn biến như sau: Các nang trứng không to lên được, không vỡ được, nằm dưới lớp vỏ dày của buồng trứng. Khi siêu âm, đặc biệt là siêu âm bằng đầu dò qua đường âm đạo, sẽ thấy nhiều nang trứng kích thước dưới 10 mm, phân bố như chuỗi hạt đeo cổ nằm ngay lớp vỏ buồng trứng.
Đây là một nguyên nhân phổ biến nhất của vô sinh do không rụng trứng và là một hội chứng phức tạp, cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân chưa được hiểu rõ nên đến nay vẫn chưa có một phương pháp điều trị tối ưu. Đối với những chị em đã lập gia đình, bị hiếm muộn vì buồng trứng đa nang, nguyên tắc điều trị là kích thích buồng trứng để gây ra hiện tượng rụng trứng.
Với những phụ nữ muốn có thai, sẽ có 3 bước điều trị lần lượt. Trước hết, họ sẽ được kích thích thử buồng trứng bằng các thuốc kích thích phóng noãn. Trong quá trình dùng thuốc, bác sĩ sẽ theo dõi phát triển nang noãn bằng đầu dò âm đạo. Một số nơi không có sẵn hình thức siêu âm này, có thể theo dõi bằng đầu dò qua đường bụng. Cách này có độ chính xác không cao vì các nang trứng thường nhỏ và phóng noãn ở kích thước 20-25 mm. Một số nơi khác áp dụng que thử phóng noãn dùng nước tiểu. Phương pháp này thuận tiện nhưng độ chính xác không cao. Trong từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định theo dõi một trong 3 cách trên.
Xử trí tiếp theo là can thiệp ngoại khoa buồng trứng. Bề mặt dày của buồng trứng có thể là nguyên nhân làm cho các nang noãn không vỡ và giải phóng ra ngoài. Việc cắt bỏ một phần hoặc chọc thủng vài vị trí bề mặt buồng trứng bằng nội soi là cách giải quyết cho hội chứng này. Ngoài việc chọc vài điểm trên bề mặt buồng trứng để phá vỡ bức tường dày, bác sĩ thường chọc bớt một vài nang noãn phát triển dở dang trước kia để làm thay đổi nội tiết, làm tăng tác dụng của thuốc kích thích phóng noãn. Động tác này cũng giúp các nang noãn có cơ hội phát triển và lách vào những khoảng trống vừa tạo để to lên và vỡ ra ngoài. Với cách điều trị này, 50-60% trường hợp hiếm muộn đơn thuần (chỉ do hội chứng buồng trứng đa nang mà không kết hợp các bệnh khác kèm theo) đã có thai. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thay vì chọc vài điểm đã áp dụng xẻ các đường song song trên bề mặt buồng trứng để tạo khoảng trống hơn, nhờ đó nâng tỷ lệ có thai lên 67%.
Nếu qua 6 chu kỳ không thành công, nên áp dụng các phương pháp kích thích phóng noãn như bước một. Không kích thích buồng trứng quá 6 chu kỳ. Nếu thất bại, bệnh nhân nên áp dụng tiến bộ mới nhất của y học là thụ tinh trong ống nghiệm. Vì sao không nên kích thích buồng trứng kéo dài hơn nữa? Có rất nhiều lời giải thích, nhưng chỉ xem xét về khía cạnh thời gian cũng đã thấy nên vậy. Nếu kích thích 6 chu kỳ kinh tức mất tối thiểu là 6 tháng, thông thường sẽ kéo dài 10-12 tháng, nếu kết hợp bước 1 và 2 thì việc điều trị sẽ chiếm khoảng 18-24 tháng, mà đâu phải bệnh nhân nào cũng có thời gian đến cơ sở y tế liên tục như vậy. Nếu kéo dài hơn, tỷ lệ thành công cũng không cao; mặt khác bệnh nhân lớn tuổi sẽ khó khăn cho kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Người bị buồng trứng đa nang cũng dễ bị sẩy thai. Vì vậy, nếu có thai rồi, nên hỗ trợ bằng nội tiết tố nhau thai. Nhau thai và hoàng thể tiết ra hCG, chất này có trong 12-16 tuần đầu thai nghén. Bệnh nhân có thể được dùng thêm thuốc có chứa chất này trong giới hạn không quá 16 tuần đầu.
Trường hợp của bạn cần được các Bác sĩ sản khoa thăm khám trực tiếp và tư vấn cụ thể.
Chúc bạn và gia đình sức khoẻ!
Bs.GiaThuoc