Cách đây 3 tuần tôi chụp Xquang ngực theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó tôi phát hiện mình có thai khoảng năm tuần. Tôi nghe nói chụp Xquang khi mang thai có thể gây tổn hại đến thai nhi, tôi rất lo lắng. Xin quý báo cho biết điều này có đúng không?
Chụp Xquang được ứng dụng rộng rãi trong y học khi thăm khám một số bệnh ở cơ quan tiêu hóa, tim mạch, xương khớp... Khi chụp Xquang đúng mức theo chỉ định của bác sĩ với thời gian ngắn và có tấm chì bảo vệ thì không ảnh hưởng đến sức khỏe, vì lượng phóng xạ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ thể rất ít.
Cần thông báo cho bác sĩ biết đang mang thai nếu cần phải chụp Xquang. Ảnh: H. Thủy Tuy nhiên, do tia Xquang là một dạng tia phóng xạ, có tác dụng sát thương nhất định đối với tế bào, nên với những trường hợp phải chụp tia X quá nhiều với cường độ mạnh cơ thể sẽ có những phản ứng không tốt, có thể gây tổn hại đối với các tổ chức cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý...
Đối với phụ nữ mang thai, theo khuyến cáo của Ủy ban quốc gia về bảo vệ đối với tia phóng xạ của Mỹ, với mức độ phơi nhiễm từ 5 rad (đơn vị đo lường khả năng hấp thụ tia xạ) trở xuống, nguy cơ gây hại đối với thai nhi hoàn toàn không xảy ra. Khi chị chụp Xquang ngực, liều phơi nhiễm của thai nhi là 0,00007 rad. Do vậy, chị không phải lo lắng vì mức độ phơi nhiễm tia X rất thấp.
Tuy nhiên các bác sĩ vẫn khuyến cáo thai phụ không nên chụp Xquang nếu không cần thiết. Khi cần thiết phải chụp để chẩn đoán bệnh, cần báo cho bác sĩ và kỹ thuật viên biết mình đang mang thai để được che chắn. Phần bụng của thai phụ sẽ được che bằng một áo chì nhằm hạn chế phơi nhiễm tia xạ cho thai nhi.