Tôi có người bạn gái bị bệnh mào gà và điều tri nay 5 tháng nhưng chưa khỏi hặn Hiên tại cô ấy mang thai 3 thạng điều nay có anh hưởng gì đến thai nhi sau nay không?
Rất cam on anh chi toa soạn Chuc suc khoe anh chị
Sùi mào gà - Human Papilloma Virut (HPV) là bệnh lây truyền qua đường tình dục và từ mẹ sang con.
Thai phụ bị lây nhiễm sùi mào gà, tùy bệnh nặng hay nhẹ mà có tổn thương nhiều hay ít ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung. Nếu có nhiều nụ sùi ở cổ tử cung, khi chuyển dạ, cổ tử cung không mở nên phải mổ lấy thai. Trường hợp tổn thương nhiều ở âm đạo cũng rất nguy hiểm vì những đám sùi sẽ chảy máu khó cầm khi sinh đẻ đường dưới hoặc khi thai nhi lọt qua âm đạo sẽ bị lây nhiễm. Nguy hiểm hơn là trường hợp tổn thương sùi mào gà có liên quan tới tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn.
HPV có ở niêm dịch miệng, họng, đường hô hấp trên, đường tiêu hóa trên, dịch ối và đó là đường làm lan rộng sự lây nhiễm.
Sau khi xâm nhập tế bào cận đáy, HPV kích thích tăng sinh tế bào đáy, tạo thành những nốt sùi giống như mào gà. Một số trường hợp không có triệu chứng lâm sàng.
Phụ nữ mang thai bị sùi mào gà thường có những mụn nhỏ sần sùi ở tầng sinh môn, ở môi lớn hay mép sau âm hộ, không gây đau. Có những trường hợp các nụ sùi mào gà mọc nhiều ở âm đạo, cổ tử cung nhưng không phát hiện được. Thai phụ thấy tự nhiên ra huyết hoặc khi tắm rửa, thai phụ cho tay vào âm đạo thấy sần sùi, chảy máu.
Một số trường hợp sùi mào gà hợp thành đám lớn, có khi chiếm hết cả thành âm đạo hay cổ tử cung, gây chảy máu nhiều. Ở người có thai, có lẽ do sự giảm miễn dịch nên sùi mào gà phát triển nhanh hơn.
Những nguy hiểm của bệnh đối với thai phụ
Bệnh sùi mào gà có thể gây cho thai phụ những tai họa đó là: nguy cơ ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn; chảy máu khó cầm nguy hiểm đến tính mạng; nguy cơ phải mổ lấy thai; nguy cơ lây bệnh từ mẹ sang con trong khi sinh đẻ. Vì vậy việc điều trị khỏi bệnh cho thai phụ trước khi sinh con là rất quan trọng, giúp thai phụ tránh được những mối nguy hiểm này.
Phương pháp điều trị, quản lý theo dõi bệnh sùi mào gà
Khi có ít và những mụn sùi mào gà nhỏ thì có thể cắt bỏ, đốt điện hay laser. Điều trị như vậy chỉ loại bỏ được các nốt sùi chứ không tiêu diệt được virut. Đối với tổn thương sùi mào gà ở âm hộ, âm đạo có thể chấm dung dịch trichloactic acid lên nốt sùi, chấm đến khi nốt sùi chuyển màu trắng. Tuyệt đối không chấm dung dịch trichloactic acid lên những nốt sùi ở cổ tử cung hay trong lỗ hậu môn. Có thể dùng dung dịch podophyllotoxine 20 - 25% bôi lên những nốt sùi nhỏ lẻ ở âm hộ, bôi thuốc để từ 1 – 3 giờ phải rửa sạch để tránh loét xuống phần da lành, tuần bôi 1 lần. Thuốc này cũng không được bôi vào các nụ sùi ở trong âm đạo, cổ tử cung và trong hậu môn.
Trường hợp sùi mào gà nhiều ở âm đạo, cổ tử cung, âm hộ có nguy cơ chảy máu nhiều phải mổ lấy thai, không nên cho đẻ đường dưới. Dùng kháng sinh uống để chống bội nhiễm khi có chảy máu.
Do nguy cơ bị ung thư cổ tử cung khá cao nên tất cả những thai phụ bị bệnh sùi mào gà phải được làm xét nghiệm để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Sau khi sinh phải được quản lý và theo dõi chặt chẽ bằng soi cổ tử cung, xét nghiệm tế bào âm đạo, cổ tử cung và khi cần thì sinh thiết để chẩn đoán.
Bạn của bạn nên đi khám để có được sự tư vấn trực tiếp của Bác sĩ sản khoa.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục của chúng tôi!
Bs.GiaThuoc