Hỏi: Xin cho hỏi quế Trung Quốc có tác dụng giống với loài quế khác hay không?
Trả lời: Quế Trung Quốc còn gọi là
quế nhục, ngọc thụ, quế đơn, quế bì, sambor lo veng (Campuchia).
Tên khoa học Cinnamomum cassia Blume (Cinnamomum obtusifolium var cassia Perrot et Eberh.).
Thuộc họ Long não Lauraceae.
Trên thị trường quốc tế, quế bì (tên ghi trong dược điển Trung Quốc, 1953) hay thừơng gọi là quế Trung Quốc (Cannelle de Chine) đứng nàng thứ hai sau quế Xrilanca. Trong nước ta cũng có loài quế này. Ta dùng vỏ phơi khô Cortex Cinnamomi cassiae.
Mô tả cây
Quế đơn hay quế bì là một loại cây có kích thước trung bình, thường cao 12 - 17m. lá mọc so le, dài và cứng. Phiến lá dài 12 - 15cm, rộng 2,5 - 6cm, mặt trên bóng và nhẵn, mặt dưới lúc đầu có lông, có 3 gân: hai gân phụ nổi rất rõ ở mặt dưới. Cuống to, mặt trên có rãnh, dài 1,5 - 2cm. Hoa mọc thành chùy ở kẽ những lá phía trên. Quả hình trứng thuôn dài 12 - 13mm phía dưới có đài tồn tại hoặc nguyên hoặc hơi chia thùy.
Phân bố, thu hái và chế biến
Loài quế này mọc rải rác ở khắp Việt Nam nhiều nơi có trồng.
Tại Trung Quốc chủ yếu được trồng ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Chỉ thu hoạch khi cây đã được 7 năm trở lên. Sau khi bóc vỏ người ta chỉ phơi khô trong mát rồi đóng gói chứ không ủ như đối với quế Thanh Hóa. Thường không cạo lớp biểu bì như loại quế Xrilanca, nhưng có khi cũng được cạo, do đó cũng không dễ phân biệt hai thứ với nhau.
Thành phần hóa học
Trong vỏ quế Trung Quốc ngoài các chất thường gặp như chất nhày, tanin, có 1,2% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là 75 - 90% andebyt, axenat xinamyl. Trong tinh dầu quế Trung Quốc người ta không thấy có eugenol.
Ngoài vỏ quế, người ta cũng khai thác cả lá quế để cất tinh dầu.
Công dụng và liều dùng
Công dụng cũng như những quế khác.
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)