Ở quê tôi có rất nhiều cây gạo mọc ở ven đường. Bà con thường đẽo vỏ thân cây về làm thuốc đắp chữa bệnh xương khớp, nhiều người thấy rất hiệu quả. Xin hỏi cây gạo có chữa được bệnh xương khớp không? Cách dùng như thế nào?
Cây gạo là loại cây quen thuộc, thường mọc hoang khắp nơi ở các vùng nông thôn miền núi. Các bộ phận của cây gạo như: hoa, vỏ thân và rễ đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, trong đó vỏ thân và rễ thường được dùng chữa bệnh về xương khớp. Theo Đông y, vỏ thân cây gạo có vị cay, tính bình, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết tiêu thũng; Rễ gạo vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, thu liễm chỉ huyết, thường dùng chữa bong gân, giảm đau khớp cổ chân và khớp gối, sưng nề do chấn thương,... Cách dùng như sau:
- Giảm đau nhức xương khớp, đau cơ: Vỏ thân cây gạo tươi 50g, cạo bỏ lớp vỏ bẩn bên ngoài, thái mỏng, giã nát, thêm giấm thanh, trộn đều rồi băng đắp vào chỗ đau.
- Chữa bong gân nhẹ: Vỏ thân cây gạo tươi, rau má tươi, vòi voi tươi và bồ công anh tươi, bốn thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát, băng đắp vào chỗ sưng đau.
- Sưng nề do chấn thương: Vỏ thân hoặc rễ cây gạo ngâm rượu xoa ngoài hoặc giã nát đắp vào vị trí tổn thương. Hoặc vỏ thân cây gạo 100g, củ nghệ vàng già 100g. Vỏ gạo cạo bỏ vỏ bẩn ở ngoài, băm nhỏ, giã nát với nghệ thái mỏng, dùng dấm thanh và rượu cho vào sao rồi chườm hoặc đắp vào vết thương khi còn nóng.