Chào bác sĩ. Tôi nam nay 29 tuổi, buổi tối khi ngủ gần sáng là cứ khò khè mà thở lại mệt có phải hen không bác sĩ?
BS. Trần Thị Hồng Thanh - Chuyên khoa Nội - Trường TCYT Đặng Văn Ngữ, cho biết:
Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính ở đường thở, có sự tham gia của nhiều loại tế bào viêm và các thành phần của tế bào, chủ yếu là tế bào Mast, bạch cầu ái toan (E), lympho T, đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính (N) và các tế bào biểu mô phế quản. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và ở những cơ địa nhạy cảm.
Quá trình viêm này kèm theo tăng tính phản ứng phế quản với nhiều tác nhân kích thích gây co thắt cơ trơn phế quản, tắc nghẽn đường thở dẫn đến khó thở, ho, tức ngực từng đợt tái diễn, thường bị về đêm và sáng sớm, có thể tự hồi phục hoặc do điều trị.
Hen phế quản thuộc bệnh dị ứng, kèm theo viêm phế quản. Trong cơn hen phế quản thường khó thở thì thở ra. Khi lên cơn khó thở có kèm theo tiếng rít (do co thắt phế quản) và xuất tiết đường hô hấp gây ho, có đờm. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc gặp yếu tố thuận lợi (dị ứng) thì cơn hen xuất hiện. Bệnh này hay phát tác về đêm nhất là thời điểm nửa đêm về sáng.
Nguyên nhân do thời điểm nửa đêm về sáng tính phản ứng của đường hô hấp là cao nhất. Không khí về đêm khô ráo, tính hưng phấn của hệ thần kinh chi phối khí quản cũng cao hơn. Người bệnh bị hen phế quản khi phát tác thường có biểu hiện khó thở, có tiếng rít, ngực đau thắt, không thể nằm yên mà phải ngồi dậy để thở.
Hen phế quản cũng dễ nhầm lẫn với đợt cấp của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, bởi vì bệnh này khi lên cơn cấp tính cũng gây khó thở, khò khè, ho. Ho có đờm đặc, màu vàng, xanh, ho thường trên 3 tháng/năm.
Nếu thường xuyên ho kéo dài hơn một vài ngày hoặc bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh hen, bạn hãy gặp bác sĩ. Điều trị bệnh hen sớm, có thể ngăn ngừa tổn thương phổi lâu dài và giúp giữ cho tình trạng sức khỏe không xấu theo thời gian.
BS Trần Thị Hồng Thanh