Thời gian gần đây, tôi hay bị đau bụng, da xanh, đi khám các bác sĩ nghi ngờ tôi bị sỏi mật đề nghị chuyển tuyến để khám lại. Nhưng do điều kiện gia đình tôi chưa đi khám được. Vậy xin bác sĩ cho biết biểu hiện và cách phòng bệnh.
Lê Bình (Lạng Sơn)
Sỏi mật là trong lòng ống mật có những viên sỏi nhỏ, to, hay bùn mật ở vị trí trong gan hoặc ngoài gan, ở túi mật. Tùy thuộc vào vị trí sỏi có những biểu hiện khác nhau như: Sỏi đường mật trong gan: Triệu chứng chính là xuất hiện cơn đau bụng gan, đau vùng hạ sườn phải lan ra vai phải hoặc xương bả vai. Đôi khi xuất hiện đau cả vùng thượng vị (trên rốn) làm cho lầm tưởng cơn đau của dạ dày. Nếu sỏi ống mật chủ thông thường có 3 triệu chứng rất điển hình tuần tự xuất hiện: Đau bụng. Đau dữ dội ở hạ sườn phải lan ra lưng, bả vai và cả thượng vị. Sau đau thường có sốt, xuất hiện sốt nóng và rét run. Tiếp đến là vàng da, vàng mắt, phân bạc màu (có khi phân trắng như phân cò). Nếu sỏi ngã ba đường dẫn mật cũng thường gây nên cơn đau bụng dữ dội và cũng có thể gây tắc mật làm vàng da, vàng mắt, phân bạc màu. Nếu sỏi túi mật và cổ túi mật bệnh nhân thường đau bụng dữ dội vùng dưới sườn phải.
Bệnh nhân sỏi mật cần kiêng ăn các loại mỡ động vật.
Tùy từng thể bệnh mà các bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân bị sỏi mật cần kiêng ăn mỡ, nhất là các loại thịt mỡ động vật như bò, gà, lợn... uống các loại nước thuốc nam có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh như nước khoáng, nước nhân trần, actiso.
Phòng bệnh sỏi mật cần thực hiện khám bệnh định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh là nguyên nhân gây sỏi mật như bệnh ở đoạn ruột cuối làm giảm hấp thu muối mật, rối loạn lipid máu; kiểm soát ăn uống chống thừa cân béo phì; tránh ăn chế độ ăn giàu calo; tránh dùng các thuốc oestrogen chữa bệnh cho người có bệnh sỏi mật từ trước; định kỳ 6 tháng một lần tẩy giun, thực hiện ăn chín uống sôi để tránh nhiễm giun.
BS. Nguyễn Tùng