Mẹ cháu 65 tuổi, gần đây bà hay kêu đau chân, cảm giác bị nặng chân, hay bị chuột rút và chân bị phù nhẹ. Cháu tìm hiểu thì được biết đấy là biểu hiện bệnh suy tĩnh mạch. Xin bác sĩ tư vấn thêm về biểu hiện của bệnh này!
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi chưa được xác định rõ ràng nguyên nhân. Suy giãn tĩnh mạch chân không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ gây khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh có biểu hiện: đau chân, nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, chuột rút vào buổi tối, châm chích, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm.
Những triệu chứng này thường không rõ ràng nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua. Giai đoạn tiến triển bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường. Vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày làm rối loạn biến dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân, nặng hơn thì có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da, các mảng bầm máu trên da...
Đa số bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Một số bệnh nhân dù biết mình mắc bệnh nhưng không điều trị hoặc điều trị không đúng, điều này dẫn đến những hậu quả rất khó lường. Để phòng ngừa nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, nhất là nhân viên văn phòng, không nên ngồi làm việc một chỗ liên tục trong suốt buổi làm việc, tranh thủ giải lao, đi lại vận động vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30-60 phút. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các bài tập vận động chân như co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót... để máu lưu chuyển tốt hơn. Ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin. Nên tập thể dục để giảm cân như: bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh.