Em sắp sinh con đầu lòng nhưng điều em lo lắng là núm vú của em lại tụt vào trong. Xin bác sĩ tư vấn cách chăm sóc bầu vú để khi sinh, em có thể cho con bú bình thường được. Vì em thấy có trường hợp sau đẻ tắc tia sữa gây áp-xe vú phải đi viện chích nên em rất sợ.
Bầu vú mẹ là “ kho lương thực” của trẻ sơ sinh, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, cần chú ý vệ sinh vú. Đầu vú của người phụ nữ lần đầu cho con bú, da ở đầu vú tương đối mềm, khô rất dễ bị nứt nẻ, không những ảnh hưởng đến việc bú sữa của trẻ mà còn là một nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến vú. Để bảo vệ đầu vú, trong thời kỳ mang thai cần thường xuyên dùng nước xà phòng ấm lau rửa đầu vú để đầu vú trở nên dẻo dai và rắn chắc hơn. Nếu đầu vú lõm vào trong thì thường xuyên dùng tay kéo nhẹ ra và nên thường xuyên bôi ít kem dưỡng ẩm hoặc dầu thực vật để đầu vú không bị khô quá. Thông thường, sau sinh 2 - 3 ngày vú to và cương lên, sữa tiết ra nhiều trong khi đó trẻ bú chưa nhiều nên cần chú ý: Khi cho bú, thường cho bú hết một bên rồi chuyển sang bú bên kia, nếu sữa chưa được bú hết, dùng dụng cụ hút sữa hút hết sữa ra, như vậy mới tránh được viêm tuyến sữa và sẽ giúp việc tiết sữa tốt hơn. Để giữ vú sạch sẽ, trước khi cho bú, bà mẹ cần rửa sạch tay, hằng ngày năng thay áo lót. Nếu thường xuyên bị sữa trào ra thì nên dùng chiếc khăn màn hoặc khăn mặt sạch đệm vào đầu vú giúp thấm sữa không bị chảy ướt áo ngoài. Nếu thấy đầu vú hơi nứt nhẹ thì vẫn tiếp tục cho bú nhưng sau mỗi lần cho bú nên rửa sạch, bôi dầu thực vật hoặc thuốc mỡ và nhớ rửa sạch trước khi cho trẻ bú. Nếu bị nứt nặng, cho bú đau thì nên dùng dụng cụ vắt sữa để vắt sữa tránh viêm tuyến sữa do sữa ứ đọng. Nếu thấy vú sưng, nóng, đỏ, đồng thời bà mẹ có sốt cao thì cần đi khám ngay tránh dẫn đến áp-xe vú do để muộn.