Tôi bị sỏi thận, khám và điều trị ở bệnh viện, bác sĩ cho biết tôi bị hai loại sỏi canxi và sỏi axit uric. Sao tôi lại bị tới hai loại sỏi vậy? Còn có loại sỏi khác nữa không? Có phòng các loại sỏi thận được không, thưa bác sĩ?
Bệnh sỏi thận rất thường gặp và cũng có nhiều phương pháp điều trị sỏi, tùy thuộc vào từng loại sỏi. Có 4 loại sỏi thận gồm: sỏi canxi, sỏi struvite hay sỏi nhiễm khuẩn, sỏi axit uric, sỏi cystin.
Sỏi canxi là loại sỏi nhiều nhất, chiếm đến 80% các trường hợp. Nguyên nhân tạo sỏi canxi gồm: nước tiểu quá bão hòa muối canxi; giảm citrat niệu; nước tiểu quá bão hòa về oxalat do ăn nhiều thức ăn chứa nhiều oxalat như cần tây, tỏi tây, củ cải, rau cải, khoai lang, đậu xanh, đậu tương, bí, ớt...
Sỏi struvite chiếm gần 10% các trường hợp, do nhiễm khuẩn mạn tính đường tiết niệu, gây giảm hòa tan struvit mà tạo sỏi.
Sỏi axit uric cũng chiếm khoảng 10% các trường hợp, do nước tiểu quá bão hòa acid uric tạo sỏi urat. Sỏi acid uric gặp trong tăng acid uric máu, bệnh gút, di truyền, béo phì, bệnh tiểu đường kháng insulin.
Sỏi cystin rất hiếm, do cystin bị đào thải nhiều qua thận nhưng ít hòa tan nên dễ đọng thành sỏi. Bệnh có tính di truyền rõ rệt nhất.
Tùy theo từng loại sỏi, kích thước lớn hay nhỏ mà có cách điều trị thích hợp. Nếu sỏi nhỏ, sỏi bùn, sạn thận, bệnh nhân được chỉ định thuốc uống bào mòn sỏi. Sỏi lớn, kết hợp uống thuốc và các phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, mổ nội soi.
Phòng bệnh chủ yếu là ăn uống hợp lý, tránh ăn nhiều thức ăn tạo sỏi theo hướng dẫn của bác sĩ.