Bố tôi bị tai nạn gãy chân, phải mổ để đặt lại xương gãy. Đến nay, vết mổ đã tốt, chấn thương cũng tiến triển tốt nên được xuất viện. Bác sĩ dặn bố tôi nên vận động để nhanh hồi phục hơn, nhưng gia đình tôi không biết phải làm thế nào để có được phương pháp vận động phục hồi tốt lại tránh được chấn thương. Rất mong được bác sĩ tư vấn giúp.
Sau một thời gian bị cố định để điều trị, phần chân tay bị gãy của bệnh nhân thường bị teo, cứng, thậm chí bị hoại tử, việc vận động sẽ khá khó khăn. Hơn nữa, cảm giác sợ bị gãy trở lại do vận động không đúng khiến bệnh nhân lại càng ngại tập luyện.
Vì vậy, sau mổ, sau bó bột, người bệnh phải tự giác, kiên trì, chịu đau để tập luyện nhằm phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, từ đó quá trình liền xương sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, việc vận động sau mổ, sau bó bột cần đúng phương pháp mới giúp quá trình hồi phục nhanh, đồng thời tránh tái chấn thương.
Những biện pháp phục hồi bao gồm: Cử động khớp từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập 10-15 phút, ngày 4-6 lần. Tập duy trì sức cơ như tăng sức căng của cơ (khi khớp cử động còn đau nhiều), tập co cơ (khi khớp đỡ đau). Tập đi bằng nạng gỗ khi xương chưa liền theo đúng hướng dẫn của kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Sau khi xương đã liền thì dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững.
Không nên dùng nạng kẹp nách vì như thế dáng đi sau này trông sẽ tàn phế. Thời kỳ xương liền vững tỳ không đau ở ổ gãy xương thì bỏ gậy và tập đi như bình thường. Nên xoa nắn bằng tay thường xuyên ổ gãy xương liền khớp. Không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp. Dùng túi chườm nước nóng, chườm lên chỗ đau để luyện tập. Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Thời gian tập thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ thương tổn.