Trong sinh hoạt hàng ngày gia đình tôi thường xuyên sử dụng nước mưa thu chứa vào bể, nhất là những ngày hè nóng nực, mỗi khi đi làm về tôi uống nước mưa không đun nấu. Nhưng gần đây, tôi nghe nói không nên dùng nước mưa dễ mắc bệnh. Xin bác sĩ giải thích.
Cần vệ sinh các thiết bị, bể chứa nước mưa. Từ lâu, nhất là vùng nông thôn, miền núi thường sử dụng nước mưa trong sinh hoạt hàng ngày và hiện nay nhiều người vẫn cho rằng đây là nguồn nước sạch. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Bởi một giọt nước mưa rơi xuống đã rửa hàng trăm mét khối không khí, các chất bẩn trong không khí được rửa bụi, nên nước mưa tương đối nhiều chất độc hại, nhất là ở những vùng có sự phát triển của các khu công nghiệp, nhà máy... như hiện nay thì nước mưa chứa rất nhiều độc tố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Hơn thế, các thiết bị hứng nước mưa, bể chứa nước mưa không được vệ sinh cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng nước mưa.
Vì thế, khi sử dụng, không nên hứng nước mưa ngay khi trận mưa trút nước xuống vì lúc này nước mưa vẫn còn bám các chất "bẩn", hãy đợi khi mưa được khoảng 10 - 15 phút, khi các chất bẩn đã bị "trôi" hết thì hãy hứng.
Trước mùa mưa, cần phải cọ rửa máng hứng nước. Đối với bể chứa cần phải có nắp đậy và thỉnh thoảng phải được cọ rửa. Khi xây bể tránh xây cạnh chỗ để rác, cạnh nhà vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Người dân cũng cần lưu ý, để đảm bảo, tốt nhất là nước mưa cũng cần thiết kế bể lọc. Khi uống cũng cần phải đun sôi để đảm bảo vệ sinh tránh lây bệnh truyền nhiễm.
Tuyệt đối không hứng nước khi dùng tấm lợp xi măng bởi trong tấm đó chứa chất amiăng gây ung thư. Cũng không nên thu hứng từ nhà tranh mái rạ, tốt nhất nên hứng từ mái ngói, mái tôn, mái bê tông.