Tôi xin hỏi các bác sĩ về trường hợp của vợ tội Mong các bác sĩ giúp đỡ
vợ tôi được bác sĩ kê đơn (như ở dưới) - theo chẩn đoán của bác sĩ thì vợ tôi bị bệnh rối loạn lo âu - sau khi uống được hơn 12 tháng thì các triệu chứng bệnh đã giảm hẳn Nhưng hiện nay vợ tôi vẫn còn hơi bồn chồn bứt rứt, người vận động được rất ít, có lúc được động viên phấn chấn lắm cũng chỉ đi bộ được khoảng 200 m về lại rất mêt. Trước đây vợ tôi rất khoẻ, là giáo viên có thể đi bộ cả 10 km. Vợ tôi bị bệnh đã hơn 3 năm
Mong các bác sĩ giúp đỡ hoặc chỉ dẫn đến bác sĩ có uy tín có thể chữa được bệnh của vợ tội
Rất cảm ơn các bác sĩ và web thuocbietduoc tôi thường tra cứu thông tin trên trang web này, rất bổ ích nhưng đến hôm nay tôi mới mạnh dạn hỏi về bệnh của vợ tội Mong các bác sĩ giúp đỡ
1. Romeron 30mg - 30 viên uống 1viên/ngày lúc 21 giờ
2. Febira - 30 viên uống 1viên/ngày lúc 21 giờ
3. Propranolol - uống 1/2 - 1/4 viên lúc 21 giờ
4. Ginko intensiv 60mg - 60 viên uống 2 viên/ngày lúc 9 giờ - 17 giờ
5. Jetcomvinta - 60viên uống 2viên/ngày lúc 9 giờ và 17 giờ
6. Oxeflu - 30 viên uống 1viên/ngày lúc 21 giờ hoặc lúc 7 giờ sáng sau ăn
Tất cả chúng ta ai cũng đã từng trải qua những lúc phải lo âu, căng thẳng. Từ khi là học sinh, mỗi lần cô giáo gọi lên bảng đều giật mình, tim đập nhanh một chút, hoặc khi đứng trước cửa nhà người yêu, khi chuẩn bị bày tỏ tình cảm với người mình yêu đều có những cảm giác lo lắng, hồi hộp, nhưng đó là những phản ứng cảm xúc bình thường có tính chất sinh lý sau đó lại có thể trấn tĩnh trở lại.
Ở đây chúng tôi muốn nói đến vấn đề lo âu có tính chất bệnh lý tương đối phổ biến, với tỷ lệ thường gặp là khoảng từ 1,5-3,5% dân số. Trước hết chúng ta hãy xem biểu hiện của rối loạn lo âu như thế nào? Người bệnh thường kể về những biểu hiện của mình như: Nhịp tim nhanh, bệnh nhân cảm giác tim mình đập rất nhanh, đập thình thịch hoặc nhịp tim tăng rất nhanh, vã mồ hôi, run rẩy chân tay hoặc rung tay; cảm giác khó thở, thở rất nông hoặc cảm giác ngột ngạt, sắp chết, cảm giác như là có người bóp cổ mình; cảm giác đau ở ngực hoặc không thoải mái ở vùng ngực; buồn nôn hoặc đau ở vùng bụng, cảm giác như muốn ngất, đi không vững, đầu nhẹ bẫng hoặc như là sắp sửa đột quỵ. Người bệnh có thể có cảm giác như là mình không còn ở môi trường mà mình đang sống nữa, họ thường mất kiểm soát bản thân mình và cảm tưởng như là mình sắp bị điên. Bệnh nhân có cảm giác rất sợ chết, có những cảm giác bất thường ví dụ như cảm thấy trong người mình tê cóng... cảm giác rùng mình, hoặc nóng bừng trong người.
Những biểu hiện của rối loạn lo âu này thường xảy ra khi người bệnh gặp phải những sang chấn tâm lý trong cuộc sống của họ ví dụ như phải đi xa nhà, ly hôn, người thân chết hoặc sau những sự kiện không may xảy ra với mình như là tai nạn giao thông, hoặc một bệnh lý nặng xảy ra với người thân của mình như là ung thư dạ dày, u não... và bệnh nhân lo lắng là mình có thể cũng bị những bệnh nặng như vậy.
Một điểm nữa là khi khám những bệnh nhân này, chúng tôi thường thấy bệnh nhân có kèm theo những biểu hiện buồn chán, bi quan về tương lai, những mặc cảm tự ti... là những biểu hiện của hội chứng trầm cảm.
Những triệu chứng biểu hiện của lo âu thường rất giống với biểu hiện của những bệnh lý nội khoa khác và chính vì vậy bệnh nhân khi có những biểu hiện này thường đến các thầy thuốc chuyên khoa về tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp... và khi bệnh nhân đến với thầy thuốc chuyên khoa tâm thần thì họ đã được điều trị ở rất nhiều chuyên khoa khác nhau, bằng nhiều loại thuốc chuyên khoa và thậm chí cả những thủ thuật can thiệp cao cấp, đắt tiền như đốt nút xoang để nhằm làm giảm nhịp tim... nhưng, tất cả những sự can thiệp và điều trị này đều thất bại và lúc đó bệnh nhân mới được gửi đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Vấn đề đặt ra là điều trị chứng rối loạn lo âu như thế nào? Khi một bệnh nhân đã được chẩn đoán là rối loạn lo âu, thì họ cần phải được bác sĩ chuyên khoa về tâm thần điều trị, chủ yếu là điều trị ngoại trú, chỉ có một số ít trường hợp phải vào điều trị nội trú như những trường hợp trầm cảm có ý tưởng tự sát, hoặc những trường hợp có kết hợp thêm lạm dụng chất gây nghiện. Việc điều trị bao gồm hai nội dung sử dụng thuốc chống lo âu và những liệu pháp về nhận thức hành vi.
Những loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu là những thuốc có tác dụng làm giảm đi những triệu chứng này, hiện nay đang được dùng phổ biến là nhóm thuốc ức chế hấp thu serotonin chọn lọc mà một số hoạt chất phổ biến như là fluoxetine, sertraline, paroxetine (SSRI)..., loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng amitriptylin, nhóm benzodiazepine (seduxen). Tuy nhiên việc lựa chọn loại thuốc nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như là bệnh nhân có bệnh lý khác kết hợp hay không, điều kiện hoàn cảnh kinh tế như thế nào? Tác dụng phụ của thuốc trên bệnh nhân... Loại thuốc SSRI là loại thuốc ít có nguy cơ tác dụng phụ về tim mạch, về kháng cholinergic và ngộ độc liên quan đến quá liều nhưng nó có tác dụng phụ trên chức năng tình dục. Khi dùng loại thuốc nhóm benzodiazepin thì có những nguy cơ phụ thuộc thuốc khi sử dụng lâu dài và nên chỉ sử dụng ở những bệnh nhân cần phải được kiểm soát các triệu chứng một cách nhanh chóng như là những bệnh nhân có nguy cơ nghỉ việc, nghỉ học hoặc những bệnh nhân cần phải nằm viện. Những thuốc chống trầm cảm 3 vòng thường có những nguy cơ tác dụng phụ lên hệ tim mạch, vì vậy cần đặc biệt lưu ý với những bệnh nhân cao tuổi và những người có bệnh lý cơ thể kèm theo.
Việc trị liệu bằng các liệu pháp hành vi nhận thức hiện còn chưa được phổ biến ở nước ta. Việc điều trị này bao gồm nhiều nội dung khác nhau như là giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cho bệnh nhân cách xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, hoảng sợ như là tập thư giãn, tập hít thở sâu, hoặc có những liệu pháp phơi nhiễm với những yếu tố gây cho bệnh nhân lo âu và từ đó bệnh nhân sẽ dần dần thích nghi được với những hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu và các triệu chứng sẽ hết dần. Hiện nay chúng tôi thường kết hợp cả hai phương pháp dùng thuốc và trị liệu về hành vi nhận thức.
Cuối cùng khi một bệnh nhân có những triệu chứng của rối loạn lo âu thì nên đến thầy thuốc chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị càng sớm càng tốt, nếu không chức năng về mặt xã hội như là công việc, học tập, giao tiếp của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng và bệnh nhân sẽ bị tàn tật về mặt xã hội.
Theo thư của anh mô tả thì chị nhà đã đi khám, đã được bác sĩ chẩn đoán bệnh và kê đơn điều trị, chị nên tuân thủ phác đồ điều trị và lưu ý tái khám sau mỗi đợt dùng thuốc. Bác sĩ sẽ so sánh kết quả trước và sau khi điều trị để có chỉ dẫn tiếp theo!
Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi tới chuyên mục của chúng tôi và chúc anh chị sức khỏe, hạnh phúc!
Bs.GiaThuoc