cháu chỉ thích học toán vì phải suy luận và nhớ công thức nhưng mà quả thật không biết cách nào để học? tốt hoá và sinh cứ học rồi lại quên có lễ do học quá trìu tượng mà không thực tế và cháu chứa có khả năng suy luận nên không hiểu gì vậy cháu phải luyện trí não như thế nảo cảm ơn bác sĩ
Chào em, trong thư em không nói rõ em bao nhiêu tuổi, em có bệnh lý gì không? Tuy nhiên, chúng tôi cũng trả lời một cách khái quát nhất những câu hỏi của em, hy vọng sẽ giúp em một phần nào trong việc học tập và rèn luyện trí óc của mình.
I. Một số phương pháp giúp rèn luyện một trí não khỏe
Rèn luyện thân thể không thể bỏ qua việc rèn luyện não, bảo đảm cơ quan điều khiển cơ thể luôn có sức khoẻ để hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho hoạt động của con người. Có những cách tập sau đây:
1. Quan sát:
Chú ý quan sát sự vật xung quanh và luôn ghi nhớ trong óc những điều cần thiết, tất nhiên, quan sát phải kèm phân tích động não.
2. Nghe:
Luôn nghe nhạc mình ưa thích để giúp tăng cường trao đổi chất trong tế bào não, rèn luyện nâng cao khả năng điều khiển việc nghe của thần kinh, giúp trí óc thông minh hơn.
3. Nghĩ:
Luôn suy nghĩ là cách tốt nhất rèn luyện não. Ai muốn thông minh đều cần hoạt động não nhanh nhẹn và biết suy nghĩ. Ngược lại, người không chịu suy nghĩ não thường lão hoá nhanh, giảm khả năng hoạt động rõ.
4. Đọc:
Cần đọc sách báo nhiều vì đó là nguồn cung cấp thông tin quan trọng, giúp cho kho dữ liệu cơ sở của óc - nền tảng của sự thông minh, đầy đủ tiềm lực. Cần đọc sách để tiếp thu kiến thức. Tránh đọc quá nhiều sách tiêu khiển, hoạt hình, truyện vui…
5. Động:
Thực hiện các hoạt động tinh tế khéo léo như vẽ, kẻ chữ, đánh đàn…cũng như luyện tập thể dục thể thao khéo léo linh hoạt, có độ khó cao để nâng cao hoạt động trí lực.
6. Nói:
Não điều khiển việc nói, qua nói giúp cho khả năng tổng hợp logic, thể hiện…của não. Tất nhiên, không chỉ nói nhiều, nói vui pha trò…mà cần thể hiện triết lý tổng hợp sâu sắc, nội dung phong phú, sáng tạo, hấp dẫn.
7. Oxy:
Não cần nhiều ôxy hơn bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Não đủ ôxy sẽ hoạt động với hiệu suất cao hơn. Khi não hoạt động, nhất thiết phải có không khí trong lành sạch sẽ, không hút nhiều thuốc lá.
8. Vui vẻ:
Vui vẻ thoải mái, luôn tươi cười làm não phát huy hết công suất hoạt động. Cần giao thiệp rộng, biết vui cùng bạn bè, gia đình. Tâm hồn thoải mái hưng phấn, vui tươi nhẹ nhàng, không cô độc, trầm lặng, thiếu sinh khí…tạo điều kiện tốt cho não làm việc suy nghĩ.
9. Ăn uống:
Bảo đảm cho não hoạt động tốt, ăn uống cần ổn định, cân bằng, hợp lý. Cần nhiều vitamin C, thức ăn giàu đạm, rau quả tươi, đậu, các loại thịt nạc, cá…
10. Ngủ:
Để não nghỉ ngơi thư giãn, quan trọng nhất là ngủ đủ, không ngủ quá dài để tránh não chìm đắm trong mê mệt, tiêu cực, não già, ít năng động.
II. Một số phương pháp giúp học tốt môn toán:
Đa số học sinh cho rằng môn toán khó nhất, nhưng những học sinh học khá môn toán cho rằng học toán dễ nhất. Thật vậy, học toán không cần phải nhớ quá nhiều như những môn khác. Môn toán như một chuỗi dây xích, khi nắm chắc A ta có thể dựa vào đó để tìm được mắt xích B bên cạnh A.
Điều khó khăn nhất để giỏi môn toán là phải dành cho nó nhiều thời gian. Dù không phải nhớ nhiều nhưng trước hết chúng ta phải nhớ các định nghĩa, các tính chất, các định lý và các hệ quả. Để nhớ và hiểu sâu sắc các định nghĩa và định lý, chúng ta phải làm nhiều bài tập. "Trăm hay không bằng tay quen". Khi đến 1 khu phố lạ ta bị lạc đường nhưng 1 đứa bé 10 tuổi có thể dẫn ta đi bất cứ ngóc ngách nào mà không lạc, đó chính là do "quen".
Để hiểu hết 1 cuốn sách toán ta cần hiểu từng trang, để hiểu hết 1 trang ta chỉ cần hiểu từng dòng và để hiểu mỗi dòng có lẽ là không khó lắm. Thật ra học toán là chúng ta học tại sao có dấu bằng ? Tại sao có dấu lớn hơn ? Tại sao có dấu nhỏ hơn? Tại sao có dấu suy ra và tại sao có dấu tương đương ? Để hiểu một bài toán ta cần phải nhớ các kiến thức căn bản chứa đựng trong định nghĩa và định lý. (Để nhớ các định nghĩa và định lý ta cần làm nhiều bài tập).
Có khi chúng ta nghe giảng thì hiểu nhưng không thể tự làm lại được. Để kiến thức thực sự là của ta thì ta phải tự làm lại những bài tập từ dễ đến khó. Hãy kiên nhẫn học lại những điều rất cơ bản và làm cả những bài tập đơn giản.
Chính những kiến thức cơ bản giúp ta hiểu được những điều nâng cao sau này. Một vấn đề phức tạp là tổ hợp của nhiều vấn đề đơn giản, 1 bài toán khó là sự nối kết của nhiều bài toán đơn giản. Chỉ cần nắm vững những vấn đề căn bản rồi bằng óc phân tích và tổng hợp chúng ta có thể giải quyết được rất nhiều bài toán khó.
Tóm lại, để học tốt môn toán chúng ta cần phải :
- Học lại tất cả các kiến thức căn bản về toán từ lớp dưới.
- Phải thuộc những định nghĩa và định lý bằng cách làm nhiều bài tập.
- Gặp một bài toán lạ và khó, bình tĩnh và kiên nhẫn phân tích để đưa về những bài toán cơ bản và quen thuộc.
- Để có hiệu quả cao, cần phải có một chút yêu thích môn học.
- Phải học đều từ đầu năm chứ không phải đợi gần thi mới học.
Chúc em thành công và luôn có một thể chất, tinh thần khỏe mạnh!
Bs.GiaThuoc