xin chào bác sỹ con em bi động kinh hiên cháu dang uống Depakine 200mg viên nén em đọc báo có ông Hợi ở Gia Lâm hà nội chữa bệnh động kinh bằng thuốc nam và chữa sẽ khỏi hẳn . Vậy bác sỹ cho em được hỏi .Em có nên chữa bệnh cho con em bằng thuốc nam hay không? Xin bác sỹ trả lới sớm giúp ẹm em! Cảm ơn bác sỹ nhiếu!
Động kinh là một bệnh của não do sự phóng điện đột ngột quá mức của các tế bào thần kinh. Biểu hiện là co giật cục bộ hoặc toàn thể từng cơn, thời gian ngắn vài giây đến vài phút; cơn có tính định hình, tái diễn. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên. Ở người lớn thường là do chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não, kén sán não, nhiễm khuẩn và động kinh nguyên phát.
Ở trẻ nhỏ, động kinh có thể do đẻ ngạt, đẻ có chỉ huy, chấn thương sản khoa, sau nhiều lần sốt cao co giật, sau viêm màng não mủ, sau chảy máu nội sọ, sau chấn thương sọ não hoặc bệnh não bẩm sinh, bệnh có tính di truyền. Có gần 50% các trường hợp không rõ nguyên nhân. Trẻ em bị động kinh phải được chẩn đoán, điều trị, theo dõi ngoại trú lâu dài trong 2-3 năm.
Bệnh thường được biểu hiện: co giật tay chân, run giật nửa người hay cả hai tay, hai chân, mắt nhìn ngược, giật mắt rồi giật tay chân; cơn lặng người (vắng ý thức) hay đột nhiên trẻ mềm nhũn hoặc tím ngắt. Các cơn co giật kéo dài vài chục giây đến một phút và được lặp lại ở các ngày khác.
Khi trẻ lên cơn co giật, phải đặt trẻ nằm nghiêng sang bên phải để nếu trẻ nôn thì chất nôn dễ chảy ra khỏi miệng, tránh bị sặc. Ở tư thế này, người trông coi dễ dàng móc nước bọt, chất nôn khi trẻ co giật kéo dài. Cởi bỏ khăn quấn cổ, cúc áo cổ để trẻ dễ thở. Nhanh chóng đặt khăn mặt hoặc vật nhựa mềm giữa hai hàm răng để trẻ không cắn vào lưỡi.
Không nên giữ chặt khi trẻ đang lên cơn co giật, mà lúc này phải quan sát xem trẻ giật như thế nào, bắt đầu từ đâu, run giật cơ nào hay hai bàn tay nắm chặt, co cứng hay ưỡn cứng. Gia đình cần cung cấp những thông tin chi tiết về cơn co giật để bác sĩ phân loại được cơn động kinh thì mới chọn được thuốc kháng động kinh thích hợp. Vì trong trường hợp bác sĩ chưa chứng kiến được cơn co giật thì chỉ có thể căn cứ vào sự mô tả lại diễn biến của cơn động kinh và kết quả điện não đồ để kê đơn thuốc. Cần cặp nhiệt độ, nếu trẻ có sốt thì cần cho uống thuốc hạ sốt, chườm mát vào trán và bẹn. Tốt nhất gia đình nên ghi nhật ký hằng ngày về thời gian xảy ra các cơn co giật, kiểu giật, thời gian cơn giật kéo dài.
Về thuốc: cho trẻ uống thuốc theo đơn chỉ dẫn của bác sĩ, thường là các thuốc chống co giật, uống 2-3 lần/ngày (sáng, trưa, tối). Phải cho trẻ uống thuốc đều đặn, liên tục không nghỉ buổi nào để duy trì thường xuyên nồng độ thuốc trong cơ thể. Nếu trẻ có bệnh động kinh bị ốm, thì ngoài thuốc để điều trị bệnh đó, vẫn phải cho trẻ uống thuốc chống co giật. Tuy nhiên, gia đình phải báo cho bác sĩ khám bệnh về thuốc trẻ đang uống để tránh tương tác thuốc.
Liều thuốc phải dùng bắt đầu từ liều thấp sau tăng dần. Khi mới uống thuốc, có thể trẻ vẫn lên cơn co giật. Nếu cơn co giật không giảm, nên đưa trẻ đến bác sĩ khám thường xuyên hơn để có hướng tăng liều thuốc hoặc cho trẻ nhập viện để cắt cơn co giật. Khi cho trẻ uống thuốc, phải theo dõi để phát hiện các tác dụng phụ của thuốc (như ngủ nhiều, tiêu chảy, nổi mẩn trên da, buồn nôn...); không tự ý ngưng thuốc.
Có nhiều gia đình thấy con không bị giật nữa đã chủ động ngưng thuốc. Nhưng sau một thời gian, thậm chí vài năm, trẻ lại xuất hiện cơn co giật. Kể cả liều thuốc cũng không nên tự giảm. Việc giảm liều phải do bác sĩ quyết định khi trẻ đã điều trị được một năm kể từ khi không còn cơn co giật nào, với kết quả điện não đồ ổn định. Việc giảm liều thuốc phải tiến hành từ từ, cứ 3 tháng một lần.
Trẻ đang uống thuốc chống co giật nếu không thấy co giật nữa thì có thể tiếp tục đến lớp, song phải thông báo cho thầy cô giáo của cháu biết để nếu trẻ có lên cơn ở lớp, thì thầy cô, bạn bè biết cách xử lý.
Về ăn uống: chăm sóc, cần cho trẻ ăn đủ chất, đặc biệt đối với trẻ dưới một tuổi. Từ tháng thứ 6, ngoài sữa mẹ, phải cho trẻ ăn bổ sung. Cần chia đều các bữa ăn vì não ở những trẻ này rất cần chất đạm, béo, đường... Luôn chú ý tránh các stress, căng thẳng thần kinh do học tập liên miên. Không nên quát mắng, đánh đập, dọa nạt làm trẻ sợ, rơi vào tình trạng bị ức chế. Nên luôn nhẹ nhàng, âu yếm trẻ.
Mỗi ngày trẻ bị động kinh phải được ngủ 8-10 tiếng. Không nên cho trẻ thức khuya xem vô tuyến, hoặc chơi trò chơi điện tử. Không nên đánh thức, bắt trẻ dậy đột ngột khi đang ngủ. Không nên kể về bệnh tật của trẻ cho người khác nghe trước mặt trẻ vì sẽ tạo cho trẻ ấn tượng bị bệnh, dễ dẫn đến tự ti, có thể tạo ra những hành động bất thường giả bệnh.
Trường hợp con bạn đã được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn điều trị, bạn tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Tuyệt đối không được tự ý thay đổi thuốc hay dừng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Trong quá trình điều trị nếu có bất cứ thắc mắc gì, nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ, bạn không nên chữa bệnh cho con theo các thông tin truyền miệng.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!
Bs.GiaThuoc