em xin hỏi, nếu mình thấy những triệu trứng của thiếu kẽm và bệnh đại tràng, đường ruột thì chỉ mua thuốc bổ sung kẽm ở hiệu thuốc có được không ? vì công việc của em quá bận nên không có thời gian đi khám bệnh, xin bác sĩ cho em cách đơn giản nhất để điều trị các triệu chứng .
1. Về triệu chứng thiếu kẽm của cơ thể:
Kẽm là một kim loại thiết yếu tìm thấy trong hầu hết các tế bào. Cơ thể chứa khoảng 2 đến 3g kẽm tìm thấy trong xương, răng, tóc, da. gan, cơ bắp, bạch cầu và tinh hoàn. Một phần ba (1/3) kẽm trong huyết tương gắn lỏng lẻo với albumin, trong khi 2/3 gắn chặt với globulin. Kẽm kích thích hoạt động của khoảng 100 enzym, là những chất xúc tác phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Kẽm hỗ trợ một hệ thống miễn nhiễm lành mạnh, cần thiết cho vết thương lành lại, giúp bảo vệ vị giác và khứu giác và cần thiết cho sự tổng hợp DNA. Kẽm cũng hỗ trợ cho việc tăng trưởng và phát triển bình thường thai nhi trong bụng mẹ, thời kỳ ấu thơ, và thiếu niên.
Hầu hết trường hợp thiếu kẽm xảy ra khi lượng kẽm tiêu thụ chưa đủ hay hấp thụ kém, khi tăng thất thoát kẽm khỏi cơ thể, hay khi nhu cầu cơ thể về chất kẽm gia tăng. Dấu hiệu và triệu chứng thiếu kẽm gồm lớn chậm, rụng tóc, tiêu chảy, cơ quan sinh dục trưởng thành chậm và bất lực, thương tổn ở da và mắt và ăn mất ngon. Cũng có bằng cớ là sụt cân, vết thương chậm lành, vị giác bất thường và chứng ngủ lịm do não bộ có thể xảy ra. Chứng thiếu máu đáp ứng với chất bổ dưỡng sắt. Một số người xơ gan bị thiếu kẽm do không giữ được kẽm. Dấu hiệu sinh hóa đi kèm với thiếu kẽm gồm giảm mức kẽm trong huyết thanh (< 70 mcg/dl hay <10.7 micromol/L), giảm alkaline phosphatase, alcohol dehydrogenase trong võng mạc (không thấy ban đêm) giảm testosterone trong huyết tương và hỏng chức năng hoạt động của tế bào lymphô T, giảm tổng hợp chất tạo keo (collagen) từ đó vết thương không liền được và giảm hoạt động của RNA polymerase trong nhiều mô.
Vì phần lớn những triệu chứng trên có thể xảy ra ở nhiều bệnh khác, đừng vội kết luận người bệnh thiếu kẽm khi thấy những triệu chứng trên. Điều quan trọng là nên tham khảo bác sĩ về các triệu chứng bệnh để được chăm sóc thích hợp.
Ngoài ra, khi cơ thể thiếu kẽm, bữa ăn sẽ không còn “sức hút” với bạn. Kẽm là một khoáng chất vô cùng quan trọng giúp tăng cường vị giác. Giải pháp: Hãy bổ sung kẽm cho cơ thể bằng cách ăn nhiều các loại thực phẩm như: ngao, sò, hàu, cá biển… Trứng gà, các loại thịt đỏ và các thực phẩm họ đậu cũng rất giầu loại khoáng chất này.
2. Triệu chứng và điều trị bệnh đại tràng:
Rất ít người nhận ra mình đang có nguy cơ, hoặc đang bị bệnh đại tràng chính bởi diễn biến chậm và những biểu hiện của bệnh thường không rõ ràng và thường bị xem nhẹ. Ban đầu, chỉ có các biểu hiện như đầy bụng, khó tiêu, đau bụng lâm râm, lâu dần là tình trạng tiêu chảy, đại tiện khó chịu, phân nát, cũng có khi lại là táo bón.
Biểu hiện trên đặc biệt rõ rệt khi ăn thức ăn nhiều đạm, thức ăn lạnh, căng thẳng thần kinh. Bệnh diễn biến dai dẳng, kéo dài, hay tái phát, điều trị rất khó khăn. Hậu quả cuối là xuất huyết tiêu hóa, suy kiệt, người gầy gò, xanh xao do đại tràng không thực hiện được chức năng hấp thu các chất dinh dưỡng, thậm chí đã có một số trường hợp còn dẫn đến ung thư đại tràng.
Bạn nên đến bệnh viện để chụp film hoặc tốt nhất là soi đại tràng có chẩn đoán nguyên nhân cụ thể; trên cơ sở có kết luận bệnh các bác sĩ sẽ tư vấn việc xử trí điều trị cho bạn. Bạn tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Chúc bạn sức khỏe!
Bs.GiaThuoc