- Con gái em khi sinh ra có một lỗ nhỏ xíu ở góc trên cạnh tai. Đi tiêm chủng em có hỏi bác sĩ thì được giải thích là rò luân nhĩ và bảo giữ vệ sinh sạch sẽ. Em muốn hỏi cách chăm sóc đúng như thế nào?
Rò luân nhĩ là một dị tật bẩm sinh ở trẻ em, khi vùng trước vành tai xuất hiện một lỗ nhỏ, thông vào bên trong vùng chân sụn vành tai, lỗ rò đi sâu vào bên trong và bám vào phần sụn. Dị tật này thường xuất hiện ở một bên tai, đôi lúc ở cả hai bên. Rò luân nhĩ thường xuất hiện độc lập, đơn giản, nhưng đôi khi có thể kết hợp với những dị tật khác, dẫn đến tạo thành những hội chứng và bệnh lý với biểu hiện toàn thân như hội chứng khe mang - tai - thận, teo nửa mặt... Tình trạng phổ biến nhất là nốt rò luân nhĩ bị sưng, viêm, có mùi hôi. Cách phòng ngừa viêm nhiễm chủ yếu là giữ vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, tuyệt đối không được bóp nặn tại vị trí lỗ rò của trẻ. Nhiều trẻ có thể chung sống cả đời với dị tật rò luân nhĩ mà không xảy ra biến chứng gì ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngược lại, một số trường hợp rò luân nhĩ bị viêm, rỉ dịch, sưng đau, gây áp-xe xung quanh... có nguy cơ ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Nếu không bị nhiễm trùng, không viêm lỗ rò luân nhĩ thì không cần xử lý gì. Nếu bố mẹ thấy trẻ hay đưa tay gãi hoặc lỗ rò có những triệu chứng bất thường như rỉ dịch nhờn, sưng đau, phình lớn, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để trẻ được thăm khám và có phương án điều trị kịp thời tình trạng viêm nhiễm.
BS. Nguyễn Lý