- Thỉnh thoảng trong miệng tôi lại có những đốm loét trắng, kích cỡ không đều, gây hôi miệng, ăn uống bị đau.
Nhiệt miệng là một vết loét nhỏ, nông, phát triển ở những mô mềm bên trong má hoặc môi, bên dưới lưỡi hoặc trên nướu của bạn. Nó còn được gọi là loét áp-tơ (aphthous ulcer). Biểu hiện của bệnh là: trong niêm mạc miệng xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to 1-2mm, đốm trắng to dần hơi mọng nước, vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét. Vết loét to dần, có khi tới 10mm làm ảnh hưởng nhiều đến ăn uống sinh hoạt và giao tiếp. Thường các vết loét kéo dài 7-10 ngày và tự lành mà không để lại vết sẹo. Nếu nhiệt miệng kéo dài hơn 2 tuần thì bạn cần đi khám bác sĩ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng, vài yếu tố được cho là có liên quan đến sự phát triển của vết loét, bao gồm: Hệ miễn dịch suy yếu; Dị ứng với thực phẩm như cà phê, sôcôla, phô mai, các loại hạt và trái cây có múi; stress; Do nhiễm virus và vi khuẩn; Thay đổi nội tiết tố; Tổn thương miệng; Dinh dưỡng kém.
Điều trị nhiệt miệng, thông thường những loại viêm loét nhẹ chỉ cần uống kháng sinh, vệ sinh răng miệng, giảm đau, chống dị ứng, tăng cường sức đề kháng, bổ sung vitamin nhóm B, vitamin C liều cao, vitamin A cũng rất tốt vì giúp cơ thể tái tạo niêm mạc. Người bệnh nên đi khám và dùng thuốc theo chỉ định. Ngoài ra, nên uống các thức uống mát như: rang đỗ đen lên, sau đó bỏ vào nước ninh kỹ, lấy nước uống thay nước hằng ngày. Nấu nước rau má, râu ngô uống hằng ngày thay cho nước lọc và phải uống đủ 1,5-2l/ngày. Hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu..., nên ăn nhạt; Thường xuyên súc miệng nước muối loãng.
BS. Minh Tâm