Em bị bệnh sùi mào gà ở âm hộ, em đã điều trị bằng phương pháp đốt điện nhưng sau 4 tháng, bệnh phát triển trở lại.
Em bị bệnh sùi mào gà ở âm hộ, em đã điều trị bằng phương pháp đốt điện nhưng sau 4 tháng, bệnh phát triển trở lại. Xin hỏi quý báo, em có thể sử dụng loại thuốc nào để chữa bệnh này?
Nguyễn Thị Loan (Ninh Bình)
Bệnh sùi mào gà do Human papova virus (HPV) gây ra, bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường tình dục và từ mẹ sang con trong lúc sinh. Sùi mào gà thường không có biểu hiện gì đặc biệt, không đau, không ngứa với sang thương kích thước 1 milimet đến vài chục, thậm chí vài trăm milimet, bề mặt sần sùi, màu hồng hoặc đỏ, mềm, ẩm ướt, có thể có cuống, sờ vào không đau, nhưng dễ chảy máu. Bệnh có thể được điều trị bằng cách đốt các sang thương với laser CO2 hay đốt điện nhưng biện pháp này chỉ loại bỏ được các nốt sùi chứ không tiêu diệt được virut nên các sang thương dễ phát triển trở lại. Về thuốc điều trị bệnh lý này, hiện nay đang sử dụng chủ yếu là dung dịch trichloactic axít và podophylline.
Dung dịch trichloactic axit thường dùng nồng độ 50%. Sử dụng thuốc bằng cách dùng tăm tre hoặc tăm bông chấm gọn, cẩn thận một ít dung dịch lên những nốt sùi cho đến khi nốt sùi trắng ra. Không để thuốc lan ra vùng da lành, với nữ tuyệt đối không chấm dung dịch này lên những nốt sùi ở cổ tử cung hay trong lỗ hậu môn do không kiểm soát được mức độ tổn thương loét niêm mạc do thuốc.
Dung dịch podophylline thường dùng cho những tổn thương nhỏ ở âm hộ, có thành phần podophylotoxin và một số dẫn chất khác có tác dụng làm hoại tử các sùi mào gà. Trước khi dùng thuốc nên rửa sạch vết sùi mào gà bằng nước muối sinh lý rồi lau khô. Nên bôi thuốc mỡ tra mắt tetracyclin 1% xung quanh vùng da lành cạnh nốt sùi để tránh nhiễm dung dịch gây ngứa, loét da. Sử dụng tăm bông hoặc tăm chấm thuốc lên nốt sùi, chỉ chấm một lượng vừa đủ, đợi 2-3 phút cho thuốc khô mới chấm tiếp sang nốt sùi khác và sau 1-3 giờ chấm thuốc thì rửa sạch bằng nước muối sinh lý hoặc xà bông vì nếu để lâu quá cũng sẽ gây loét da. Thuốc này không được dùng trong thời kỳ mang thai, không bôi thuốc vào trong âm đạo, cổ tử cung, lỗ niệu đạo, miệng hoặc phía trong hậu môn. Sau khi tổn thương đã khỏi, vẫn cần chấm nhắc lại vùng tổn thương sau một tuần và cần nhắc lại như vậy vài lần.
Để dùng đúng cách thuốc chữa bệnh sùi mào gà, bạn nên đến khám tại chuyên khoa da liễu để được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn sử dụng. Bạn tuyệt đối tránh nghe theo lời mách bảo của người không có chuyên môn mà tiền mất tật mang vì sang thương sùi mào gà ở mỗi người có vị trí và mức độ khác nhau nên dùng thuốc cũng khác nhau.
BS. Trịnh Văn Tùng