Con gái tôi được 3 tháng tuổi nhưng ngay từ khi một tháng tuổi đã xuất hiện u máu ở dưới thái dương.
Con gái tôi được 3 tháng tuổi nhưng ngay từ khi một tháng tuổi đã xuất hiện u máu ở dưới thái dương. Tôi cho cháu đi khám thì được bác sĩ cho dùng thuốc propranolol để điều trị. Xin hỏi quý báo, khi dùng thuốc này cần lưu ý những gì?
Phạm Thị Loan (Lào Cai)
U máu trẻ em là khối u mạch máu lành tính phổ biến nhất. Trước đây, thuốc corticosteroid được xem như trị liệu hàng đầu, nhưng gần đây, thuốc chẹn beta propranolol chứng tỏ có hiệu quả hơn do có 3 cơ chế tác động khác nhau đối với u máu là co mạch ở giai đoạn sớm làm giảm màu sắc của u, ức chế tăng sinh mạch máu ở giai đoạn giữa và cảm ứng tế bào chết theo chương trình ở giai đoạn muộn. Propranolol được hấp thu tốt qua đường uống nhưng chịu sự chuyển hoá qua gan lần đầu rất đáng kể.
Trong quá trình cho con dùng thuốc, bạn cần lưu ý tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng vì thuốc có thể thay đổi hàng tháng theo cân nặng của trẻ. Thuốc có thể làm giảm chức năng tim ở những bệnh nhi có u mạch lớn hay u mạch máu lan tỏa nên cần theo dõi chặt chẽ. Propranolol sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân rối loạn chức năng gan thận, mắc bệnh tim mạch, hen suyễn, tiểu đường và tăng nhãn áp.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến các tác dụng phụ của thuốc như hiện tượng trẻ ngủ gà, cao huyết áp, chậm nhịp tim, co thắt phế quản và hạ đường huyết. Bạn cần báo cáo với bác sĩ điều trị các biểu hiện này để giảm liều thuốc uống.
Bên cạnh đó, bạn không nên cho con uống cùng với thuốc chống co giật, an thần (như penobarbital, phenytoin…) vì có thể làm tăng chuyển hóa propranolol dẫn đến làm giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh và giảm hiệu quả điều trị.
BS. Trịnh Văn Tùng