Vitamin PP là vitamin nhóm B tan trong nước thường được bổ sung trong trường hợp cơ thể thiếu vitamin PP gây viêm miệng, viêm da... Khi bổ sung vitamin PP cho cơ thể, cần phải thận trọng với các tương tác thuốc gây hại có thể xảy ra.
Tìm hiểu về vitamin PP
Vitamin PP ( còn được gọi là vitamin B3) với hoạt chất là axít nicotinic (Niacin) hoặc nicotinamid (dạng amid của axít nicotinic).
Trong cơ thể, axít nicotinic và nicotinamide thường chuyển đổi qua lại và dạng vitamin của chúng là như nhau, nicotinamid sẽ chuyển hóa thành Nicotinamid Adenin Dinucleotid (NAD) và Nicotinamid Adenin Dinucleotid phosphat (NADP), là những coenzyme tham gia xúc tác phản ứng oxy hóa khử phân giải glycogen và chuyển hóa lipid.
Nicotinamid được tạo thành từ axít nicotinic có sẵn trong cơ thể và từ sự oxy hóa một phần tryptophan có trong thức ăn.
Vitamin PP có trong các nguồn thực phẩm như: thịt, cá, sữa, trứng, rau xanh, ngũ cốc… với nhu cầu hàng ngày là 14 - 18mg.
Ở một số ngũ cốc như: ngô, vitamin PP ở dạng liên kết khó hấp thu. Do vậy, các dân tộc dùng ngô làm lương thực chính hay mắc bệnh Pellagra, một bệnh do cơ thể thiếu hụt vitamin PP với các triệu chứng: viêm da ở vùng không che phủ, tiêu chảy, suy nhược cơ thể.
Vitamin PP thường được chỉ định điều trị những bệnh gây ra do thiếu nicotinamid trong cơ thể như bệnh Pellagra, bệnh Aptha (áp-tơ)...
Vitamin PP được chỉ định khi mắc bệnh Pellagra
Thận trọng với các tương tác thuốc khi bổ sung vitamin PP
Khi bổ sung vitamin PP cho cơ thể cần thận trọng với các tương tác thuốc sau:
Nhóm thuốc điều trị cao huyết áp: vitamin PP là thuốc gây giãn mạch, thường gây ra hiện tượng đỏ bừng mặt và hạ huyết áp. Vì vậy, tránh phối hợp vitamin PP với thuốc điều trị cao huyết áp như nhóm thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril…), nhóm thuốc đối kháng canxi (nifedipin, amlodipin…)… vì có thể gây ra hạ huyết áp quá mức.
Vitamin PP còn được gọi là vitamin B3
Nhóm thuốc hạ đường huyết (metformin, gliclazid…): vitamin PP phân giải glycogen nên làm tăng đường huyết. Do đó, người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý điều chỉnh liều dùng khi phối hợp với vitamin PP với các thuốc hạ đường huyết.
Nhóm thuốc statin (simvastatin, lovastatin...) khi kết hợp với vitamin PP có thể làm gia tăng nguy cơ gây tiêu cơ vân (rhabdomyolysic).
Nhóm thuốc kết hợp axít mật (colestipol, colesevelan, cholestyramin…): vitamin PP làm giảm tác dụng khi kết hợp với các thuốc này. Do đó, khi uống vitamin PP phải cách xa thời gian với các thuốc này.
Các thuốc gây độc tính ở gan: nên tránh kết hợp vitamin PP với các thuốc gây độc tính ở gan như: thuốc kháng nấm (ketoconazole, nystatin…), thuốc chống động kinh (phenytoin, carbamazepin…)… vì sẽ làm gia tăng độc tính trên gan.
Các thuốc chống đông máu (warfarin, heparin…): vitamin PP làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu gia tăng nguy cơ gây chảy máu, nên tránh kết hợp với các thuốc này.
Thuốc kháng sinh tetracyclin: nên tránh kết hợp với thuốc kháng sinh tetracyclin, do vitamin PP làm giảm sự hấp thu và hiệu quả của thuốc.
Tránh phối hợp vitamin PP với thuốc điều trị cao huyết áp
Thuốc Isoniazid (INH): đây là thuốc điều trị bệnh lao, INH làm giảm lượng acid nicotinic trong cơ thể. Do đó, cần lưu ý bổ sung vitamin PP trong quá trình điều trị lâu dài với INH.
Với ngưởi mắc bệnh gút: do vitamin PP ở liều cao làm giảm thải trừ axít uric, nên cần phải thận trọng khi sử dụng liều cao vitamin PP cho người có tiền sử mắc bệnh gút.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý tránh sử dụng quá liều vitamin PP, vì với liều dùng > 3g mỗi ngày ở người lớn sẽ gây độc tính trên gan!
DS. MAI XUÂN DŨNG
Người bị tai biến sẽ hối hận cả đời nếu không biết điều này sớm hơn Bí quyết hồi xuân tuổi 70 Lợi và hại khi dùng kháng sinh để điều trị viêm hang vị, dạ dày