Tôi bị mảng da có màu đỏ và xuất hiện ở hai bên má, kèm theo mệt mỏi, hay sốt và đau mỏi các khớp, rụng tóc; điều trị mãi bệnh không khỏi, vừa qua đi khám ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh SLE. Vậy tôi xin hỏi bệnh trên là bệnh gì? Triệu chứng và cách điều trị?
(Thái Thanh Hà - TP.HCM)
SLE là chữ viết tắt Systemic Lupus Erythematosus, là tên khoa học của bệnh lupus đỏ ban đỏ hệ thống cấp tính. Về triệu chứng, lupus ban đỏ hệ thống cấp tính, trong giai đoạn khởi phát, người bệnh thường có những triệu chứng rất mơ hồ, không đặc hiệu, thường gặp nhất là mệt mỏi, sốt, đau cơ và khớp; kèm theo sốt thường nhiệt độ không quá 38,50C, đau cơ và khớp. Sau giai đoạn khởi phát, bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như ở da, là triệu chứng ở da gặp nhiều nhất và sớm. Tổn thương da có dạng hồng ban hình cánh bướm, là dạng phát ban kinh điển trong lupus, có màu đỏ và xuất hiện ở hai bên má, tăng lên khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, rụng tóc. Rụng tóc có thể xuất hiện trong đợt bùng phát của bệnh, tóc sẽ mọc lại sau khi đã điều trị làm lui đợt bùng phát; sưng khớp thường đối xứng hai bên cơ thể và không gây tổn thương khớp, khớp thường gặp nhất là các khớp ở bàn tay, cổ tay và khớp gối.
Ngoài tổn thương trên, lupus đỏ hệ thống còn gây tổn thương nhiều nội tạng khác như: thận, tim mạch, hô hấp, não - thần kinh, tiêu hóa, mắt, máu - hệ miễn dịch…
Về điều trị và phòng bệnh, việc điều trị bệnh lupus ban đỏ phải kết hợp nhiều yếu tố, đòi hỏi sự hợp tác giữa bệnh nhân và thầy thuốc, bệnh nhân phải tuân thủ theo chế độ điều trị và theo dõi bệnh lâu dài; tránh các yếu tố làm bộc phát bệnh hay làm bệnh nặng thêm như: tránh nắng tối đa, tránh nóng, hạn chế chấn thương, khi ra nắng phải che chắn cẩn thận, đội mũ rộng vành, mang khẩu trang, găng, vớ, dùng kem chống nắng… Tránh một số thuốc có thể làm bộc phát bệnh hay làm bệnh nặng thêm như đã kể phần trên, tránh có thai, vì trường hợp này cũng làm bệnh nặng hơn. Ngoài ra, nhiễm trùng, stress cũng là yếu tố khiến bệnh nặng thêm. Nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, ăn những thức ăn dễ tiêu. Bệnh lupus ban đỏ là bệnh theo dõi và điều trị lâu dài, người bệnh đi khám theo định kỳ, nếu đột xuất khi có những biểu hiện như : sốt, đau đầu một cách bất thường, tiểu ra máu, đau ngực, khó thở, sưng tay-chân, yếu ở chân - tay, đau bụng một cách bất thường, đau khớp, rối loạn thị giác thì người bệnh cần đi khám bệnh. Cần nhập viện ngay khi sốt trên 38,80C, giảm lượng nước tiểu một cách nhanh chóng, đau ngực, khó thở, nhức đầu dữ dội, thay đổi thị giác cấp tính, đau bụng đột ngột, không thể trụ được sức nặng của bản thân hoặc di chuyển, khớp do đau dữ dội. Điều trị tại nhà, bệnh nhân cần nghiêm túc uống thuốc theo toa và tránh tiếp xúc ánh sáng mặt trời hoặc sử dụng kem chống nắng đối với những vùng da nhạy cảm. Với lupus đỏ hệ thống trong cơn cấp tính người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh nắng, nếu bệnh không nặng, sử dụng chloroquin, nếu bệnh nặng thì dùng corticoid, hạn chế sử dụng muối, bổ sung kali, canxi, vitamin. Khi bệnh hết sốt, đỡ đau khớp, hồng ban nhạt màu, thương tổn nội tạng ổn thì giảm liều corticoid hoặc giảm liều chloroquin.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Người bị tai biến sẽ hối hận cả đời nếu không biết điều này sớm hơn Da nổi mạch máu, bầm tím, ngoằn ngoèo như rắn là bệnh gì? Bí quyết vàng của mẹ miền Tây giúp con thoát suy dinh dưỡng và viêm đường hô hấp