Vụ nam nhân viên y tế tự cắt cụt chân mình, giấu phần chi cắt lìa vào tủ đầu giường rồi thông báo mình bị người khác cắt chân trong lúc ngủ say đã gây xôn xao dư luận trong mấy ngày gần đây.
- Vụ nam nhân viên y tế tự cắt cụt chân mình, giấu phần chi cắt lìa vào tủ đầu giường rồi thông báo mình bị người khác cắt chân trong lúc ngủ say đã gây xôn xao dư luận trong mấy ngày gần đây. Vậy thực hư nhân viên này mắc bệnh gì và hệ lụy của nó ra sao?
Tự hủy hoại cơ thể là một thuật ngữ được giới thiệu để mô tả những bệnh nhân tự làm tổn thương bản thân bằng cách tự cắt xén (như cắt da, cắt chân, tay...), nhưng họ là những người không muốn chết.
Nghiên cứu cho thấy khoảng 4% bệnh nhân trong các bệnh viện tâm thần đã tự hủy hoại cơ thể bằng cách cắt; tỷ lệ nữ so với nam là gần 3:1. Tỷ lệ tự gây thương tích ở những bệnh nhân tâm thần được ước tính là hơn 50 lần, cao hơn so với dân số nói chung.
Nghiên cứu chỉ ra rằng tự gây thương tích có tỷ lệ khoảng 4% người lớn tại Hoa Kỳ. Tỷ lệ này ở thanh niên là 15%, còn ở sinh viên đại học là từ 17 - 35%.
Có những bệnh nhân được gọi là “máy cắt” vì đã cắt bản thân nhiều lần trong nhiều năm. Tự hủy hoại cơ thể được tìm thấy trong khoảng 30% người nghiện rượu và 10% người nghiện ma túy đường tiêm tĩnh mạch.
Điện não đồ cho bệnh nhân tâm thần.
Các kiểu tự hủy hoại phổ biến
Cắt da (70%): Những bệnh nhân này thường ở độ tuổi 20, có thể là độc thân hoặc đã kết hôn. Hành vi cắt hầu hết rất gọn, không thô. Bệnh nhân thường cắt bằng một lưỡi dao cạo, dao sắc, mảnh thủy tinh vỡ hoặc mảnh bát sành, mảnh gương. Cổ tay, cánh tay, đùi và cẳng chân là những nơi hay được cắt nhất. Các nơi khác cũng hay bị bệnh nhân cắt là khuôn mặt, ngực, đầu vú (phụ nữ), dương vật (đàn ông), bụng. Hầu hết những người cắt mình cho biết họ không cảm thấy đau đớn nhiều. Lý do họ đưa ra là giận dữ với chính bản thân mình hoặc với người khác, giảm căng thẳng và mong muốn chết.
Đầu đập hoặc đánh (20%), đốt (5%), các hình thức khác (5%) bao gồm tự đấm mình, lây nhiễm bệnh cho chính mình, đút dị vật vào âm đạo, hậu môn, tai, uống một cái gì đó có hại (như thuốc tẩy hoặc chất tẩy rửa) và phá vỡ xương. Hầu hết những người gây tự thương đều sử dụng nhiều phương pháp khác nhau.
Nguyên nhân gây bệnh
Hầu hết bệnh nhân được cho là có rối loạn nhân cách và có thể có các bệnh tâm thần nội sinh. Họ luôn nghi ngờ và thù địch với những người xung quanh. Nghiện rượu và nghiện ma túy là rất phổ biến. Hầu hết các “máy cắt” đã cố gắng tự tử.
Tự hủy hoại cơ thể bằng cách cắt đã được xem là một hình thức tự sát “địa phương”. Nếu họ xử lý sai với các nhát cắt quá sâu, hoặc cắt vào mạch máu lớn thì có thể tử vong.
Những người tự làm hại thường cho biết họ cảm thấy trống rỗng bên trong, căng thẳng quá mức, không thể bày tỏ cảm xúc của mình, cô đơn, không hiểu người khác và sợ hãi các mối quan hệ và trách nhiệm của người lớn. Tự gây thương tích là cách họ làm giảm cảm giác đau đớn hoặc tình huống khó khăn của mình một cách tạm thời.
Bằng cách tự gây thương tích, người bệnh cố gắng đạt các mục đích sau: Có được sự quan tâm, giúp đỡ của người khác; giải quyết bất đồng với bạn bè hoặc người thân yêu; làm giảm sự nhàm chán trong quan hệ với mọi người; tạo ra một trạng thái cảm xúc tích cực.
Dấu hiệu cảnh báo
Dấu hiệu cảnh báo rằng một người nào đó có thể được làm bị thương bản thân bao gồm: Thường xuyên có các vết thương mà không rõ nguyên nhân; giảm lòng tự trọng; dễ căng thẳng, cô đơn; có mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè và người thân; khả năng lao động và học tập kém.
Những người tự làm hại có thể cố gắng che giấu các vết thương của họ, chẳng hạn họ luôn mặc quần áo dài dù trời nóng. Nếu bị phát hiện, người tự làm bị thương thường có thể bịa ra một lý do nào đó (ví dụ, "tôi bị ngã xe" hoặc "tôi bị mèo cào").
Điều trị như thế nào?
Khi phát hiện ra một người tự thương, chúng ta cần đưa họ đến khám và điều trị tại bác sĩ tâm thần. Các vết thương của bệnh nhân sẽ được khám và điều trị phối hợp bởi bác sĩ chuyên khoa phù hợp,
Cần tìm ra nguyên nhân gây ra tự thương để điều trị triệt để, không để tái diễn hành vi tự hủy hoại.
Các thuốc chống trầm cảm và giải lo âu hay được sử dụng nếu bệnh nhân có các triệu chứng căng thẳng, chán nản, tự ti, cô đơn, đầu óc trống rỗng.
Với các bệnh nhân có nghiện rượu và ma túy thì cần phải điều trị cai nghiện cho họ. Thời gian nằm viện kéo dài 2 - 4 tuần. Sau khi ra viện, bệnh nhân cần được khám định kỳ tại phòng khám tâm thần để được hướng dẫn điều trị củng cố trong nhiều năm.
PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103)