Bình thường, máu lưu thông trong cơ thể giúp các cơ quan hoạt động, vận chuyển chất dinh dưỡng và hormon, điều hòa thân nhiệt.
Bình thường, máu lưu thông trong cơ thể giúp các cơ quan hoạt động, vận chuyển chất dinh dưỡng và hormon, điều hòa thân nhiệt. Nhưng vì một số lý do như sự hình thành các mảng bám trong mạch máu và các yếu tố khác đã làm chậm tuần hoàn máu vì vậy hạn chế vận chuyển máu tới tim, cánh tay, chân và các khu vực quan trọng khác của cơ thể.
Một số thói quen sống như hút thuốc, lười vận động, ngồi lâu, thói quen ăn uống không lành mạnh và bệnh tật có thể khiến nhiều người nhạy cảm với vấn đề này. Mang thai và tăng cân cũng gây ra tình trạng tuần hoàn máu kém.
Tuần hoàn máu kém có thể không có biểu hiện rõ ràng vì vậy gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Bạn có thể nhận biết tình trạng tuần hoàn máu kém qua các dấu hiệu dưới đây.
Tay chân lạnh
Tuần hoàn máu tốt giúp duy trì thân nhiệt bình thường trong khi tuần hoàn máu kém khiến thân nhiệt bị giảm. Kết quả là bạn có thể bị sốt, ớn lạnh, lạnh tay và chân.
Phù bàn tay, bàn chân
Tuần hoàn máu kém có thể ảnh hưởng tới thận, gây nên tình trạng sưng bàn tay, bàn chân hay còn gọi là phù. Chất dịch được tích lũy trong bàn tay, bàn chân gây phù và khó chịu.
Kiệt sức
Tuần hoàn máu kém làm cho lượng oxy và dưỡng chất được chuyển tới các cơ ít hơn, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Tuần hoàn máu kém cũng gây khó thở, đau nhức cơ bắp và khó khăn trong duy trì các hoạt động hàng ngày.
Rối loạn cương dương
Do tuần hoàn máu kém, lượng máu lưu thông tới cơ quan sinh sản không đủ gây nên tình trạng rối loạn cương dương, khiến cho các quý ông khó “hoàn thành nhiệm vụ”.
Rối loạn tiêu hóa
Tuần hoàn máu kém cũng có thể khiến máu ít được bơm tới các cơ quan trong cơ thể bao gồm cả đường tiêu hóa, kết quả là tiêu hóa chậm và táo bón.
Chức năng não kém
Lưu thông máu tốt thì não mới hoạt động tốt. Tuần hoàn máu kém khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu tập trung và suy giảm trí nhớ.
Hệ miễn dịch kém
Khả năng chống lại các tác nhân bên ngoài (gây nhiễm trùng) của cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi tuần hoàn máu kém vì các kháng thể cũng sẽ hoạt động chậm chạp. Kết quả là bạn dễ bị bệnh. Các chấn thương và vết thương sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Mất cảm giác thèm ăn
Tuần hoàn máu tới gan kém sẽ chặn các tín hiệu đói truyền lên não. Điều này khiến bạn ăn ít vì không có cảm giác thèm ăn, vì vậy cân nặng cũng sẽ giảm.
Da đổi màu
Vì oxy không cung cấp được tới mô và các cơ quan trong cơ thể do tuần hoàn máu giảm, màu sắc của da cũng thay đổi và trở nên xanh tái. Ngón tay và ngón chân cũng trở nên nhợt nhạt.
Móng yếu và rụng tóc
Do lưu thông máu giảm, một số cơ quan như tóc, da và móng sẽ không nhận đủ vitamin và dưỡng chất thiết yếu vì vậy tóc bị rụng, khô, da khô, móng yếu.
Suy tĩnh mạch
Tuần hoàn máu kém làm tăng áp lực trong tĩnh mạch gây nên tình trạng sưng, xoắn dưới da đặc biệt là gần mắt cá chân hoặc bàn chân Suy tĩnh mạch cũng có thể xảy ra khi chúng ta ngồi nhiều giờ. Tình trạng này có thể gây ngứa và đau.
Loét chân
Tuần hoàn máu kém gây loét, ban đỏ trên da chân. Cũng có thể có các đám đỏ khô với kích cỡ khác nhau ăn sâu vào da.
BS Tuyết Mai
(Theo Boldsky/Univadis)