Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) còn gọi là COPD là bệnh thường gặp và đang gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) còn gọi là COPD là bệnh thường gặp và đang gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Ở bệnh nhân BPTNMT, đặc biệt là các bệnh nhân giai đoạn bệnh nặng thường có tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt các vitamin và các nguyên tố vi lượng. Do đó, vấn đề dinh dưỡng với người bệnh COPD tuy không có vai trò trong điều trị bệnh nhưng bệnh có thể dự phòng được nếu biết kết hợp chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) được đặc trưng bởi một tình trạng viêm mạn tính đường thở, tổn thương chủ yếu tập trung tại các tiểu phế quản nhỏ hơn 2mm và nhu mô phổi gây giảm từ từ, không hồi phục các chức năng thông khí phổi. Do khó thở thường xuyên nên việc ăn uống ở bệnh nhân BPTNMT thường là khó khăn. Bệnh nhân có xu hướng ăn ít hơn thường lệ và điều này dễ dẫn tới suy dinh dưỡng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có tới 70% số bệnh nhân BPTNMT có biểu hiện thiếu hụt dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau. Hậu quả của suy dinh dưỡng ở người bệnh tất yếu dẫn tới suy giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiễm khuẩn phát triển và dẫn tới các đợt cấp của bệnh, làm bệnh tiến triển nhanh và nặng.
Người bị BPTNMT cần ăn uống thế nào?
Thông thường, ở bệnh nhân BPTNMT tiêu tốn năng lượng cho quá trình hô hấp gấp 5-10 lần người bình thường. Vì vậy, nhu cầu năng lượng tối thiểu hằng ngày cho các bệnh nhân BPTNMT là 30kcalo/kg trọng lượng cơ thể. Năng lượng được cung cấp chủ yếu từ 3 nguồn: chất bột, đạm và chất béo, cụ thể: chất bột 50%, đạm 15%, chất béo 35%.
Ở người bệnh COPD, không nên ăn đồ hộp, đồ khô vì có lượng muối cao sẽ góp phần gây giữ nước trong cơ thể và làm tăng gánh nặng cho tim.
Ưu tiên sử dụng đạm và chất béo cho bệnh nhân: vì việc sử dụng nhiều tinh bột có thể làm tăng CO2 trong máu (bởi các bệnh nhân vốn đã tăng mạn tính CO2 trong máu). Sử dụng các chất béo có lợi cho bệnh nhân hơn bởi ngoài việc hạn chế làm tăng CO2 trong máu còn cung cấp năng lượng cao hơn. Tuy nhiên, nên sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, dầu thực vật, hạn chế các chất béo có nguồn gốc từ các loại gia cầm (gà, vịt...), các loại động vật có vú (lợn, bò...), các loại nội tạng động vật… Đối với các chất béo có chứa cholesterol (như trứng, phủ tạng, mỡ động vật...), không nên dùng quá 300mg/ngày.
Tăng cường bổ sung các loại vitamin, các yếu tố vi lượng: ăn các loại rau, củ, quả, đặc biệt là các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, C, E (các vitamin này có tác dụng giảm các gốc ôxy hóa do khói thuốc lá và quá trình viêm mạn tính của bệnh tạo ra). Ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh không chỉ tăng cường các yếu tố dinh dưỡng mà còn góp phần giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón ở bệnh nhân BPTNMT. Trung bình, bệnh nhân BPTNMT cần lượng xơ 25-35mg/ngày (từ rau, củ, quả). Ăn súp-lơ xanh rất có lợi cho bệnh nhân BPTNMT bởi súp-lơ xanh có chất sulforapane hạn chế suy yếu gen NRF2 (nuclear factor E2-related factor-2) - gen có tác dụng bảo vệ các tế bào phổi không bị tổn thương do khói, hóa chất độc hại gây nên.
Chú ý bổ sung lượng nước trong ngày: Điều này rất quan trọng với người BPTNMT để hạn chế táo bón, giúp làm loãng đờm, tạo điều kiện cho ho khạc đờm dễ dàng (trung bình khoảng 2 - 3 lít/ngày). Có thể sử dụng các loại nước hoa quả vừa để bổ sung nước, đồng thời bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã có biến chứng tâm phế mạn thì cần bổ sung nước vào cơ thể theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Chia nhỏ bữa ăn: tránh ăn quá no có thể gây khó thở (ăn khoảng 5-6 bữa/ngày). Thực phẩm nên được chế biến nhừ để dễ nhai, tránh để phải gắng sức khi ăn. Nên ăn từng miếng nhỏ, nhai chậm, kĩ. Trong khi ăn vẫn có thể cho bệnh nhân thở ôxy kết hợp. Nên ngồi thẳng lưng khi ăn để hạn chế áp lực từ ổ bụng ép lên cơ hoành gây khó thở.
Những điều cần tránh
Người bệnh cần hạn chế lượng muối ăn vào, nhất là khi đã có tâm phế mạn (có suy tim) bởi lượng muối cao sẽ góp phần gây giữ nước trong cơ thể và làm tăng gánh nặng cho tim. Dùng các loại thảo dược có hàm lượng muối thấp để làm gia vị thay thế và không nên ăn các thực phẩm có nhiều muối (đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối sẵn…).
Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas cũng như những đồ ăn dễ gây sinh hơi, đầy bụng vì làm tăng thể tích dạ dày gây khó thở cho bệnh nhân. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.
PGS.TS. Tạ Bá Thắng - BS. Trương Thanh Tùng