Nhục đậu khấu có tên khoa học là Myristica fragrans. Bộ phận dùng làm thuốc là nhân hạt khô. Hạt nhục đậu khấu chứa nước, protein...
Nhục đậu khấu có tên khoa học là Myristica fragrans. Bộ phận dùng làm thuốc là nhân hạt khô. Hạt nhục đậu khấu chứa nước, protein, hydrat cacbon, chất vô cơ, canxi, phosphor và sắt, tinh dầu, tinh bột… Theo Đông y, nhục đậu khấu vị cay, tính ôn, hơi độc. Vào 3 kinh tỳ, vị, đại tràng. Tác dụng ôn tỳ, sáp tràng chỉ tả, ngừng nôn, chữa lạnh bụng, đau bụng, đầy trướng bụng. Dùng dưới dạng bột hoặc viên, ngày uống 0,25g - 0,5g, bệnh nặng 2-4g.
Chữa tỳ thận dương hư gây chứng tiêu chảy sáng sớm hàng ngày (ngũ canh tả). Người bệnh còn kèm lưng đau chân lạnh (do thận dương hư) người mệt mỏi, chán ăn (tỳ dương bất túc).
Nhục đậu khấu chữa lạnh bụng, tiêu chảy.
Phép chữa là ôn tỳ thận, sáp tràng để chỉ tả.
Dùng bài Tứ thần hoàn: bổ cốt chỉ 160g, nhục đậu khấu (sao) 80g, ngũ vị tử 80g, ngô thù du 40g, sinh khương 320g, đại táo 240g. Các vị tán bột mịn, dùng nước sắc khương táo trộn với bột thuốc thêm ít bột mì vừa đủ luyện thành hoàn. Mỗi lần uống 12-16g với nước muối nhạt hoặc nước đun sôi để nguội, trước lúc đi ngủ. Có thể sắc uống, gia giảm tùy tình trạng bệnh. Chữa viêm đại tràng mạn, lao ruột có hội chứng tỳ thận, hư hàn, tiêu chảy kéo dài.
Nếu tiêu chảy mạn có biến chứng sa trực tràng, gia đảng sâm, hoàng kỳ, thăng ma để ích khí thăng đề. Nếu tiêu chảy khó cầm, lưng đau chân lạnh, gia phụ tử chế, nhục quế để ôn bổ thận dương. Nếu bụng dưới đau nhiều thì bỏ ngũ vị tử, ngô thù du, gia hồi hương để ôn thận hành khí chỉ thống. Lưu ý: không dùng cho người rối loạn tiêu hóa kéo dài do thực tích.
Hỗ trợ trị ung thư đường ruột (theo tài liệu Trung Quốc): nhục đậu khấu 50g, nước gừng 200ml, bột mỳ 100g. Nhục đậu khấu tán bột làm bánh nướng chín vàng, tán bột. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5-10g lúc đói với nước cơm.
Kiêng kỵ: Cấm dùng cho người có nhiệt ở tả lỵ và bệnh mới phát (thực nhiệt hỏa tà), phụ nữ có thai.
Lưu ý: Tránh nhầm lẫn với bạch đậu khấu.
BS. Hoàng Thuần