Hàng trăm nghiên cứu đã củng cố thực tế rằng tình yêu của người cha cũng quan trọng cho sự phát triển của đứa trẻ như tình yêu của mẹ, và đôi khi còn hơn thế...
Tình yêu - hoặc sự ghét bỏ - của mẹ và cha ảnh hưởng tới hành vi, lòng tự trọng, sự ổn định cảm xúc và sức khỏe tinh thần của đứa con.
Theo TS Ronald P. Rohner, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sự yêu thương và ghét bỏ của cha mẹ tại ĐH Connecticut, trong một số trường hợp, thiếu tình yêu, sự công nhận và sự hiện diện của người cha dường như đóng một vai trò lớn hơn trong những rối loạn về nhân cách và tâm lý, phạm tội và lạm dụng ma túy của trẻ. Sự hiện diện của người cha tăng cường cảm giác hạnh phúc và cải thiện cảm xúc, sức khỏe tinh thần của trẻ. Nhưng đây là những kiến thức phổ biến. Phần lớn mọi người đều biết và thừa nhận ảnh hưởng của người cha tới đứa con.
Trạng thái tinh thần của người cha ảnh hưởng trực tiếp lên trẻ
Các học giả từ ĐH bang Michigan (MSU) đã thực hiện một nghiên cứu không chỉ cho thấy vai trò quan trọng của người cha trong cuộc sống của đứa con, mà còn tiếp tục chứng minh rằng trạng thái tinh thần và tâm trạng của người cha nói chung có ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn, trực tiếp lên trẻ.
Các nhà nghiên cứu MSU đã thu thập dữ liệu từ 730 gia đình tham gia vào khảo sát trong chương trình Early Head Start ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu xem mức độ stress và các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu của cha mẹ ảnh hưởng tới con cái như thế nào. Họ phát hiện ra rằng mức độ stress và bệnh tâm thần của cha mẹ ảnh hưởng tới cách họ tương tác với con và do vậy ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên nhất từ nghiên cứu này là sức khỏe tâm thần của người cha có ảnh hưởng lâu dài, trực tiếp đến sự khác biệt trong kỹ năng xã hội của trẻ (như tự kiểm soát và phối hợp) vào thời điểm trẻ lên lớp Năm. Trong thực tế, mức độ trầm cảm của người cha trong những năm đầu đời của trẻ có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển các kỹ năng xã hội trong cuộc sống của trẻ sau này, hơn là mức độ trầm cảm hoặc lo âu của người mẹ.
Nghiên cứu cũng nêu bật thực tế là mức độ căng thẳng của cha có tác động tiêu cực đến sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ khi các em 2-3 tuổi, ngay cả khi người mẹ có ảnh hưởng tích cực. Đúng như dự đoán, ảnh hưởng của người cha lên sự phát triển ngôn ngữ của con trai mạnh hơn là đối với con gái.
Những phát hiện dựa trên bằng chứng này là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng mỗi người cha nên có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe tâm thần của bản thân mình để chăm sóc và nuôi dưỡng tốt tinh thần của con cái.
Cải thiện tâm trạng của người cha
Dưới đây là một số cách để người cha giảm thiểu các tác động tâm trạng tiêu cực của mình lên con trẻ:
- Chấp nhận thực tế là bạn sẽ cảm thấy stress. Hiểu và chấp nhận rằng căng thẳng là một phần của việc nuôi dạy con cái chính là chìa khóa để giúp làm giảm tác động của stress lên tâm trạng.
- Tìm hiểu các tác nhân và tìm cách giải tỏa stress càng nhanh càng tốt – Hiểu biết và tự hòa hợp với chính mình là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân. Tìm xem những tình huống, những suy nghĩ hoặc những khoảnh khắc nào làm bạn căng thẳng nhất. Suy nghĩ xem có thể tránh chúng được không? Bằng cách nào? (Có thể là tham gia môn thể thao yêu thích, nghỉ ngơi yên tĩnh, đi dạo trên bãi biển…).
- Nhận sự giúp đỡ nếu cần. Nếu bạn đang cảm thấy stress hoặc có tiền sử trầm cảm, lo âu hoặc bệnh tâm thần hãy tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ. Bạn không thể giúp người khác thở nếu bạn đang cảm thấy nghẹt thở.
BS Nhật Nguyệt
(Theo LH)