Hiện đang là thời điểm “vào mùa” kiến ba khoang, chúng liên tục tấn công nhiều khu dân cư, chung cư khiến người dân bất an.
Hiện đang là thời điểm “vào mùa” kiến ba khoang, chúng liên tục tấn công nhiều khu dân cư, chung cư khiến người dân bất an. Lý do là vào mùa gặt, mưa lũ, côn trùng ngoài đồng ruộng hết chỗ trú, theo ánh sáng bay vào nhà. Nhiều người vô tình để độc tố của chúng chạm vào da, gây kích ứng. Vì vậy, việc nhận biết, xử trí khi bị kiến ba khoang tấn công là rất quan trọng.
Nhận diện kiến ba khoang
Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes (tên tiếng Anh là rove beetles). Ngoài ra còn có một số tên gọi khác như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong... Kiến ba khoang có thân hình thon, dài như hạt thóc, có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, bay và chạy rất nhanh; về màu sắc, có màu cam tối hay sậm màu, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng (elytra); có cái đầu đen, sau bụng và elytra và một phần ngực màu đỏ và phía trước bụng trong một xen kẽ màu đen - đỏ - đen - đỏ - đen, tương ứng với đầu - ngực - elytra - trước bụng - sau bụng.
Kiến ba khoang tấn công người dân gây tổn thương nặng nề.
Tại sao kiến ba khoang gây viêm da?
Kiến ba khoang không đốt hay cắn nhưng do trong dịch cơ thể của chúng có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó... Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan toả.
Biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thì thường xuất hiện ở những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân... Kiến có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Ban đầu, người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1 - 5mm, 1 - 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tay bị dính chất độc khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, 2 - 3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta đập, giết và chà xát kiến trên da. Cũng có ít trường hợp chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3 - 5 ngày, không thành phỏng.
Dễ nhầm với zona
Sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, người bệnh cảm giác râm ran. 6 - 8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ. Sau 12 - 24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình. Sau 3 ngày, thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5 - 7 ngày, vảy bong hết nhưng để lại dát thâm lâu mất.
Vì vậy, viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh zona. Zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn. Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.
Tổn thương do kiến ba khoang đốt.
Xử lý vết đốt để tránh da bị tổn thương nặng
Khi tiếp xúc với kiến ba khoang nói riêng hay côn trùng đốt nói chung, cần nhanh chóng tiến hành xử lý vết đốt để tránh da bị tổn thương nặng. Ngay sau khi tiếp xúc, cần: Loại bỏ côn trùng, không dùng tay trần để bắt, giết, miết. Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ. Nếu có dấu hiệu nổi vết đỏ, tốt nhất dùng nước muối sinh lý rửa ngày 3 - 4 lần để trung hòa chất tiết của côn trùng. Khi thương tổn đã phỏng rộp, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp. Trường hợp nhẹ chỉ cần sát trùng, bệnh tự giới hạn. Nếu tình trạng trung bình và nặng thì phải bôi thuốc dịu da, corticosteroid bôi, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.
Lưu ý: Không chà xát, gãi vùng đã tổn thương và không tiếp xúc vùng da lành với vùng da bệnh. Không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn, sau đó đến bác sĩ tư vấn để khám và điều trị kịp thời hoặc sau khi đã thực hiện các bước sơ cứu như trên mà các triệu chứng không giảm mà lan rộng, nhiễm trùng thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu càng sớm càng tốt để được xử lý kịp thời.
Phòng chống kiến ba khoang
Để phòng chống kiến ba khoang vào nhà, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách: Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào. Nên ngủ trong màn. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này.
Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng. Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.
ThS.BS. Phạm Hương