Chỉ định ngoại khoa được đặt ra khi suy tĩnh mạch không đáp ứng với điều trị nội khoa và xuất hiện các biến chứng của dòng trào ngược. Tùy theo tổn thương nằm ở hệ tĩnh mạch nông, sâu, xuyên, bác sĩ phẫu thuật sử dụng các phương pháp mổ khác nhau.
Suy tĩnh mạch chi dưới là một bệnh lý được phát hiện và mô tả từ rất lâu (460 trước Công nguyên) với tổn thương đặc trưng là dòng máu trào ngược do sự suy yếu hoặc mất chức năng của các van trong lòng tĩnh mạch. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, nhiều phương pháp điều trị được áp dụng, đánh giá và chắt lọc.
Ngày nay, điều trị suy tĩnh mạch chi dưới là một sự kết hợp nhiều phương pháp nội - ngoại khoa từ thay đổi lối sống, uống thuốc, phẫu thuật và can thiệp nội mạch nhằm đem lại một kết quả tốt nhất cho người bệnh. Trong đó các phương pháp điều trị nội mạch như: sử dụng laser, sóng cao tần để làm xơ hóa tĩnh mạch và triệt tiêu dòng trào ngược của tĩnh mạch nông ngày càng chứng minh hiệu quả của nó cả về phương diện điều trị lẫn phương diện thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Phẫu thuật điều trị dòng trào ngược chủ yếu là phẫu thuật stripping và Muller
Điều trị phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật đối với dòng trào ngược ở tĩnh mạch nông:
Phẫu thuật điều trị dòng trào ngược và các biến chứng của nó trên tĩnh mạch nông hiện nay chủ yếu là phẫu thuật stripping và Muller. Năm 1860, Friedrich Von Trendelenbourg giới thiệu phương pháp phẫu thuật: rạch da đường ngang phía trên đùi và cột bỏ tĩnh mạch hiển lớn. Sau đó, Charles Mayo thực hiện đường rạch da dài từ bẹn đến ngay trên gối để cắt bỏ tĩnh mạch hiển. Đầu thế kỷ 20, Mayo và Keller trình bày kỹ thuật lột bỏ tĩnh mạch hiển bằng cách sử dụng dây rút tĩnh mạch gọi phương pháp Stripping và được áp dụng rộng rãi từ 1950 cho đến ngày nay.
Tiếp đó, năm 1962, Robert Muller đề xướng phương pháp dùng những móc chuyên dụng để lấy bỏ các nhánh tĩnh mạch giãn qua những đường rạch da rất nhỏ (microplebectomy) và được sử dụng tới nay với tên gọi là phương pháp Muller. Nhìn chung, phẫu thuật cho kết quả tốt, triệt để, tỉ lệ tái phát thấp. Tuy nhiên, phẫu thuật đòi hỏi phải tê tủy sống hoặc gây mê, gây hạn chế vận động sau mổ cho bệnh nhân, thời gian hồi phục để lao động lâu; có tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ, tỉ lệ đau và dị cảm sau mổ cao do tổn thương các dây thần kinh cảm giác ở da, đặc biệt là dây thần kinh hiển.
Điều trị phẫu thuật đối với dòng trào ngược ở tĩnh mạch xuyên:
Với suy tĩnh mạch xuyên, điều trị ngoại khoa cổ điển được biết đến là phẫu thuật Linton. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi cắt tĩnh mạch xuyên dưới cân đang là một lựa chọn tốt trong điều trị. Năm 1938, Linton đã phẫu thuật cột các nhánh tĩnh mạch xuyên trong điều trị loét do suy tĩnh mạch xuyên.
Phẫu thuật Linton điều trị được những vết loét tĩnh mạch, thế nhưng tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ lại khá cao, xấp xỉ 50%. Nguyên nhân được Linton và các tác giả khác ghi nhận là do đường mổ dài, bóc tách rộng. Sau đó, nhiều cải tiến được nghiên cứu nhằm khác phục biến chứng nhiễm trùng của phẫu thuật Linton. Giữa thập kỷ 80, một số tác giả châu Âu đã báo cáo kỹ thuật mổ ít xâm lấn trong điều tri suy tĩnh mạch xuyên và sau đó được hưởng ứng bởi các tác giả người Mỹ.
Năm 1985, Hauer đã áp dụng phẫu thuật nội soi để cột nhánh tĩnh mạch xuyên Cockett bị suy. Năm 1996, Gloviczki đã mô tả hàng loạt trường hợp áp dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị suy tĩnh mạch xuyên. Năm 1997, Pierik đã thực hiện nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng trên 2 nhóm bệnh nhân suy tĩnh mạch xuyên. Kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm trùng trong nhóm mổ hở là 53% so với không trường hợp nào trong nhóm mổ nội soi.
Điều trị phẫu thuật đối với dòng trào ngược ở tĩnh mạch sâu:
Can thiệp ngoại khoa trên tĩnh mạch sâu cho đến nay ít được đặt ra mà chủ yếu vẫn là điều trị nội khoa. Một số nghiên cứu trên thế giới đã báo cáo một số phương pháp điều trị dòng trào ngược trên tĩnh mạch sâu như: sửa van, tạo hình tĩnh mạch, ghép 1 đoạn tĩnh mạch... Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa cao và còn đang bàn cãi.
Các phương pháp can thiệp nội mạch
Từ cuối thập niên 90, một số phương pháp điều trị dòng trào ngược tĩnh mạch ít xâm lấn, ít đau, ít biến chứng và thời gian hồi phục nhanh được báo cáo trong điều trị bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới. Đó là các phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch: tia laser, sóng cao tần, chích xơ. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ can thiệp trên tổn thương ở tĩnh mạch nông. Các phương pháp này hiệu quả, an toàn được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới.
Phương pháp chích xơ tĩnh mạch bằng chất xơ tạo bọt:
Phương pháp chích xơ bắt đầu được công bố 1986 - 1989. Nguyên tắc của phương pháp này là chích chất xơ vào lòng mạch sẽ làm tan lớp màng fibrinogen bảo vệ nội mạc làm phá hỏng lớp nội mạc. Fibrin lắng đọng trong và xung quanh thân tĩnh mạch tạo ra phản ứng viêm gây xơ hóa tĩnh mạch trong vòng khoảng 6 tháng và làm nghẽn mạch. Các loại thuốc chích xơ thường được dùng: Polidocanol, Iodine, Sodium tetradecylsulfate, Sodium salicylate…
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ đượcáp dụng cho những trường hợp tĩnh mạch giãn có đường kính nhỏ. Các biến chứng có thể gặp: phản ứng dị ứng, thuyên tắc xa, hoại tử mô nếu chất tạo xơ thoát ra ngoài lòng mạch, thay đổi sắc tố da và tỉ lệ tái phát cao.
Tác dụng nhiệt trực tiếp lên thành tĩnh mạch làm teo, xơ hóa lòng tĩnh mạch
Phương pháp xơ hóa tĩnh mạch bằng laser:
Phương pháp laser nội tĩnh mạch được công bố vào năm 1999. Nguyên lý của phương pháp này là dùng năng lượng của ánh sáng laser để biến đổi thành nhiệt thông qua sự hấp thụ của Hemoglobin trong máu để tác động lên thành tĩnh mạch. Phương pháp này áp dụng được cho hầu hết mọi đường kính tĩnh mạch nhưng tốt nhất là ≤ 20mm. laser nội tĩnh mạch cũng cho kết quả thành công cao, khoảng 97 - 98%, và ít tai biến.
Phương pháp xơ hóa tĩnh mạch bằng nhiệt cao tần:
Phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch bằng nhiệt cao tần trong điều trị suy tĩnh mạch nông chi dưới được công bố năm 1998. Nguyên lý của phương pháp này là tác dụng nhiệt trực tiếp lên thảnh tĩnh mạch (850C) để làm teo và xơ hóa lòng tĩnh mạch. Hiệu quả của phương pháp này khá cao, khoảng 97%. Tuy nhiên, phương pháp chỉ tác dụng tốt với những tĩnh mạch có đường kính ≤ 12mm và vận tốc trào ngược lớn hơn 10cm/ giây. Các thông số này được xác định qua siêu âm Doppler tĩnh mạch
Nhìn chung, các phương pháp can thiệp nội mạch chỉ áp dụng cho điều trị dòng suy tĩnh mạch nông chi dưới. Các phương pháp này chỉ mới phát triển trong khoảng 30 năm trở lại đây. Tại Việt Nam, các phương pháp này được triển khai khoảng một thập kỷ nay, chủ yếu là với phương pháp chích xơ dưới siêu âm. Trong 2 năm trở lại đây, phương pháp xơ hóa tĩnh mạch bằng laser nội tĩnh mạch và nhiệt cao tần đã được thực hiện tại Việt Nam và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định.
ThS.BS. NGUYỄN VĂN VIỆT THÀNH
(Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)