Do quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể nên loãng xương, thoái hoá khớp là những bệnh lý thường gặp nhất ở người cao tuổi. Chúng gây ra các cơn đau làm người bệnh khó chịu, giảm khả năng vận động, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Loãng xương
Loãng xương là tình trạng xương bị xốp, thưa và giảm khối lượng xương. Bệnh thường đi kèm với các hiện tượng xương dễ bị gãy và lún cột sống. Loãng xương thường gặp nhiều ở những người cao tuổi với các triệu chứng thường gặp: đau nhức xương, gù vẹo cột sống do đốt sống bị lún, xẹp làm giảm chiều cao so với lúc người bệnh còn trẻ. Ngoài ra, ở người cao tuổi bị loãng xương thường kèm theo các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mạch vành, thoái hóa khớp, thừa cân...
Ở những người cao tuổi do hậu quả của quá trình lão hóa tự nhiên nên dễ mắc phải nhiều bệnh, trong đó có các bệnh về xương khớp và loãng xương. Bên cạnh đó cũng do nhiều yếu tố tác động gây ra tình trạng loãng xương ở người cao tuổi: mắc bệnh nội tiết, mắc bệnh thận nặng, dùng thuốc điều trị: (bệnh đái tháo đường, thuốc chống động kinh, các loại thuốc kháng viêm dài ngày khiến cho sự hấp thụ canxi của cơ thể kém đi), mắc các bệnh xương khớp mạn tính…
Để khắc phục và điều trị bệnh loãng xương ở người cao tuổi cần kết hợp thực hiện nhiều phương pháp gồm sử dụng thuốc điều trị kết hợp với thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học sẽ thúc đẩy hiệu quả chữa bệnh nhanh chóng. Các thuốc dùng gồm nhóm thuốc thuốc tái tạo xương, thuốc chống hủy xương rất cần thiết và quan trọng đối với tất cả các bệnh nhân. Nhóm thuốc giúp tạo xương bao gồm: canxi, vitamin D, thuốc chống đồng hóa…
Người bệnh khi sử dụng thuốc chữa bệnh loãng xương cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo đúng liều lượng, phù hợp với tình trạng bệnh để đạt hiệu điều trị tốt nhất; không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh gây nguy hiểm và tác dụng phụ.
Loãng xương khiến cột sống cong - vẹo (gù lưng) ở người cao tuổi.
Thoái hóa xương khớp
Thoái hóa khớp là hiện tượng giảm phản xạ đầu xương và giảm thiểu đáng kể việc tiết dịch nhầy của khớp (dịch khớp). Có nhiều khớp xương dễ bị thoái hóa nhưng hay gặp nhất vẫn là khớp gối, khớp đốt sống cổ, khớp đốt sống thắt lưng, khớp háng, khớp cổ chân, bàn chân…
Bệnh nhân thường có các triệu chứng đau cột sống thắt lưng,Đau cột sống cổ, đau khớp gối, đau khớp háng.
Điều trị thoái hóa khớp ở người có tuổi là sự kết hợp chặt chẽ giữa điều trị bằng thuốc và các biện pháp tập luyện.
Nếu người bệnh bị đau nhiều cần dùng các biện pháp giảm đau bằng các động tác như: chườm lạnh, sau đó chườm bằng nước nóng (dùng khăn thấm nước nóng, nếu có điều kiện thì ngâm trong bồn tắm có nước ấm để cho người ấm lên, sau đó lau người khô và mặc quần áo). Nếu không có điều kiện hoặc không muốn chườm lạnh, chườm nóng thì có thể xoa, bóp nhẹ nhàng rồi dùng dầu, kem xoa vào khớp làm cho nóng lên.
Nếu thấy có hiện tượng cứng khớp thì cần tập co, duỗi (khớp gối, cổ chân), vặn mình nhẹ nhàng (khớp đốt sống lưng, thắt lưng), xoay cổ sang phải, sang trái một cách nhẹ nhàng (khớp đốt sống cổ).
Nếu các động tác vừa nêu trên thực hiện đều đặn mà không thấy bệnh giảm hoặc có giảm nhưng rất chậm thì nên đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc và tư vấn thêm.
Để phòng tránh hiện tượng thoái hóa khớp xảy ra thì ngay từ lúc tuổi ngoài 40 mọi người nên có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng, đều đặn hàng ngày như chơi thể thao, đi bộ, bơi…, hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức. Khi có hiện tượng nghi ngờ về khớp cần đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn đầy đủ. Đối với người cao tuổi cũng cần tập luyện nhẹ nhàng tùy theo sức mình và hoàn cảnh của riêng mình. Cần có sự tập luyện các khớp xương như: xoay, xoa bóp, đi lại trong nhà, trong sân, trong ngõ và khi lên xuống cầu thang phải hết sức cẩn thận. Đi bộ là một hình thức tập luyện rất được nhiều người ưa chuộng nhưng cũng không nên đi xa quá và chiếm nhiều thời gian gây mệt mỏi, đôi khi còn phản tác dụng.
PGS. BS. Lê Anh Thư