Khi tuổi cao, các tế bào trong mắt cũng sẽ bị lão hóa, mất tính đàn hồi dẫn đến các bệnh về mắt như xệ mi mắt, chảy nước mắt, đục thủy tinh thể, lão thị, thiên đầu thống (glôcôm)... Vậy người cao tuổi cần thay đổi thói quen gì để cải thiện, phòng tránh những nguy cơ này.
Các bệnh lý thường gặp
Lão thị: Là vấn đề của người trên 40 tuổi phải đeo kính số dương (+) để học, đọc và thao tác với các vật nhỏ trong cự ly gần. Khác với viễn thị thường bị từ thời trẻ và đeo gần như thường xuyên thì lão thị đeo kính số dương chỉ đeo khi nhìn gần và số kính sẽ tăng theo tuổi.
Vẩn đục dịch kính: Là những chấm nhỏ hoặc đốm bay lang thang trong trường nhìn của bạn. Thường ta nhìn rõ hơn trong phòng ngủ (chiếu sáng ít) hoặc nhìn ra cửa sổ trong những ngày nắng. Vẩn đục có thể là sinh lý bình thường hoặc báo hiệu cho một số bệnh lý nặng ở đáy mắt. Nếu bạn thấy vẩn đục dịch kính xuất hiện cùng với cảm giác chớp sáng trong mắt đó là dấu hiệu võng mạc bị rách hay bị kéo căng, hãy khám bác sĩ ngay.
Khô mắt: Khô mắt là do các tuyến tiết nước mắt không sản xuất đủ lượng nước mắt cần thiết. Mắt sẽ có cảm giác ngứa nhẹ, nóng rát, đỏ lên. Khô mắt nặng, nếu bạn không điều trị kịp thời có thể gây giảm thị lực. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên làm ẩm mắt, dùng thêm thuốc nhỏ mắt. Một số trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật, đặt nút điểm lệ hoặc có đơn thuốc chuyên biệt.
Khám phát hiện đục thuỷ tinh thể ở người cao tuổi.
Chảy nước mắt: Chảy nước mắt thường do đáp ứng với ánh sáng mạnh, gió hay nhiệt cao. Người bệnh có thể mang kính râm, kính màu hoặc kính bảo hộ để hạn chế tình trạng trên. Chảy nước mắt còn có thể do viêm nhiễm tại mắt hay tắc đường lệ. Do vậy hãy đi khám và điều trị nếu mang kính vẫn không cải thiện được tình hình.
Đục thể thủy tinh: Bệnh nhân bị đục thể thủy tinh thấy như mây đen bao phủ trước mắt mình. Ánh sáng không còn vươn xa được tới võng mạc do thể thủy tinh mất tính trong suốt. Mờ mắt thường sẽ tăng dần theo độ đục của thể thủy tinh nhưng bệnh nhân không thấy đau, không có đỏ mắt hay chảy nước mắt. Đây là quá trình diễn tiến khá chậm chạp. Bạn có thể yên tâm sống như bình thường, đi khám định kỳ và phẫu thuật nếu nó thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống. Thể thủy tinh bị đục, biến màu sẽ được thay bằng thể thủy tinh nhân tạo.
Bệnh thiên đầu thống (glôcôm): Gây tăng áp lực bên trong nhãn cầu do quá trình luân chuyển dịch phía trong nhãn cầu hoặc giữa trong và ngoài, đôi khi cả hai gặp trở ngại. Dịch sẽ bị tích tụ lại, áp lực trong mắt sẽ tăng lên. Nếu không xử lý kịp thời thì thị lực có thể giảm hoặc mất vĩnh viễn. Người bệnh có thể không thấy đau nhức hoặc đau nhức rất nhẹ. Hãy khám mắt theo định kỳ. Các bác sĩ sẽ chọn 3 phương án cho bạn, dùng thuốc, dùng laser hoặc phẫu thuật hoặc kết hợp các phương pháp trên.
Bệnh lý võng mạc: Người cao tuổi gặp nguy cơ cao với bệnh thoái hóa hoàng điểm người già và bệnh võng mạc đái tháo đường, tắc mạch võng mạc và bong võng mạc. Chẩn đoán sớm giúp chúng ta cứu vãn hoặc duy trì được thị lực hữu dụng trên >50% các trường hợp.
Viêm mi mắt, viêm kết mạc: Khô mắt, môi trường ô nhiễm, tiếp xúc thái quá với ánh sáng mặt trời là nguyên nhân làm nhiều người cao tuổi đến khám vì viêm mi, viêm kết mạc hoặc cả hai. Điều trị không phải chỉ bằng thuốc mà là cả một tập hợp của vệ sinh mắt, chườm ấm, bôi thuốc mỡ và tra nhỏ thuốc theo đơn.
Những ai phải cẩn thận hơn?
Khi đã ở tuổi trên 40 những ai có tiền sử bệnh lý sau đây nên cảnh giác hơn vì bạn sẽ mắc những bệnh do tuổi già sớm hơn và nặng nề hơn: Những người có bệnh mạn tính: bệnh hệ thống như cao huyến áp và tiểu đường; gia đình có người bị glôcôm hay thoái hóa hoàng điểm người già; môi trường làm việc độc hại với mắt hoặc làm việc cật lực bằng mắt; toàn thân có các vấn đề về rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, tuyến giáp, viêm khớp, trầm cảm, dùng thuốc dài ngày nhất là các thuốc có cortizol.
Lời khuyên của bác sĩ
Người bện h cần đi khám ngay mỗi khi: phát hiện nhiều thể trôi nổi dạng dây hay đám trong trường nhìn của bạn; cảm giác có bức màn che trước mắt, ngày càng che nhiều lên; đột nhiên thấy đau nhức mắt, đỏ mắt và nôn mửa; nhìn đôi, thấy chồng ảnh hoặc hình ảnh dị thường và đột nhiên thấy nhìn mờ một bên.
BS. Hoàng Cương