Căng thẳng và lo âu là những cảm giác bình thường mà bất cứ ai cũng có thể trải qua. Tuy nhiên, nếu những cảm giác này luôn thường trực và mạnh mẽ, chúng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn, đó sẽ là câu chuyện khác.
Làm thế nào để nhận biết những căng thẳng của cuộc sống hàng ngày với rối loạn lo âu cần có sự chăm sóc của bác sĩ tâm thần.
Dưới đây là những khác biệt chính giữa căng thẳng và lo âu bạn cần biết để yêu cầu sự giúp đỡ nếu cần:
Trong phần lớn các trường hợp, căng thẳng là biểu hiện thể chất còn lo âu là biểu hiện tinh thần
Bạn đang có một công việc yêu cầu phải nộp sản phẩm đúng hạn và bạn không có ý tưởng nào để thực hiện công việc ngay cả khi bạn đã rất cố gắng. Bạn cảm thấy áp lực, hàm lượng cortisol tăng và cơ thể phản ứng theo nhiều cách, có thể là khiến bạn bị co thắt dạ dày, nhịp tim tăng, đổ mồ hôi hoặc thậm chí bạn có thể muốn khóc. Đó là biểu hiện của căng thẳng.
Lo lắng liên quan nhiều hơn tới các suy nghĩ và cảm xúc lo lắng, khó chịu, lo sợ và thậm chí muốn sụp đổ, cảm giác buồn rầu ủ rũ bao phủ não bạn. Đôi khi, đó có thể là kết quả của căng thẳng. Lo âu khiến chúng ta đánh giá quá cao một mối đe dọa cụ thể và đánh giá thấp khả năng đối phó của bản thân.
Cả lo âu và căng thẳng đều có ảnh hưởng giống nhau và có thể được kiểm soát bằng các biện pháp giống nhau.
Cả căng thẳng và lo âu kéo dài đều có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Các vấn đề tim mạch, hen, huyết áp cao, thậm chí cholesterol cao có thể liên quan tới tình trạng căng thẳng và lo âu kéo dài quá mức. Thiếu ngủ và không đánh giá đúng tình trạng ngay cả khi đã kiệt sức có thể khiến những tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
May mắn là có một số cách đơn giản dưới đây bạn có thể thực hiện để kiểm soát căng thẳng và làm dịu tinh thần:
1. Cố gắng tránh những tình trạng sau:
Quá đói, giận dữ, cô đơn hoặc mệt mỏi. Khi chúng ta cảm thấy môi trường đang đòi hỏi ở chúng ta quá nhiều, phản ứng bản năng của chúng ta là làm việc chăm chỉ hơn nhưng điều đó là vô ích. Vì khi bạn càng chăm chỉ, bạn càng tạo ra nhiều căng thẳng. Vì vậy, phản ứng trái ngược nhưng có lợi hơn là nhận ra căng thẳng đang tác động tới chúng ta như thế nào và dừng lại trước khi chúng ta không thể kiểm soát được căng thẳng.
2. Đảm bảo các nhu cầu cơ bản nhất của bạn được đáp ứng
Điều này là cần thiết để tránh cảm giác quá đói, tức giận, cô đơn hay mệt mỏi. Đừng đợi đến khi quá đói mới ăn. Trò chuyện, chia sẻ với bạn bè để tránh cảm giác cô đơn. Nghỉ ngơi khi rảnh rỗi và làm những điều bạn thích.
3. Thiền
Thậm chí chỉ cần vài phút mỗi ngày cũng rất có tác dụng. Nhận thức cơ thể sẽ giúp bạn thích nghi tốt hơn với những ảnh hưởng của môi trường và giúp bạn dễ dàng thư giãn khi bị căng thẳng.
4. Làm điều gì đó giá trị mỗi ngày
Cần tránh những ám ảnh về việc thực hiện kế hoạch hoặc lo lắng về các nhiệm vụ hàng ngày. Hãy suy nghĩ để làm những việc có giá trị mỗi ngày. Có thể là chạy thể dục buổi sáng hoặc có những trận cười “bể bụng” với bạn bè… bạn cần đảm bảo những điều này sẽ xảy ra.
5. Hít thở sâu
Đây có vẻ là điều đơn giản nhưng phần lớn mọi người đều quên điều này. Hãy đặt chuông báo thức trên điện thoại 1 lần/giờ để nhắc bạn thở 3 lần chậm và sâu. Cách này sẽ giúp báo hiệu cho não rằng không có mối đe dọa nào và không cần phải lo lắng.
6. Chú ý lời nói
Tránh những cụm từ như: “tôi nên, tôi có thể, tôi cần” và thay thế bằng những cụm từ như “tôi muốn, tôi sẽ”. Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể kiểm soát được mọi việc và đưa ra một phản ứng trung lập hay tích cực thay vì phản ứng tiêu cực.
Cuối cùng, nhớ là đôi khi bạn cảm thấy căng thẳng và lo âu nhưng nếu nó ảnh hưởng tới chất lượng sống của bạn, bạn cần nói chuyện với bác sĩ.
BS Thu Vân
(Theo SE)