Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh của ngành y tế đã và đang cố gắng cải thiện niềm tin trong công tác khám chữa bệnh cho người dân bằng cách thay đổi từ nhận thức...
Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh của ngành y tế đã và đang cố gắng cải thiện niềm tin trong công tác khám chữa bệnh cho người dân bằng cách thay đổi từ nhận thức, thái độ đến nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử trong bệnh viện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, “một lần bất tín, vạn lần bất tin”, nhiều bệnh nhân đã không còn đặt nhiều niềm tin vào ngành y tế và từ sự suy giảm niềm tin ấy đã làm cho khoảng cách giữa bệnh nhân và thầy thuốc ngày càng xa hơn.
Thái độ tận tình, chu đáo của cán bộ y tế sẽ tạo niềm tin cho bệnh nhân.
Cách đây ít ngày, cô bạn tôi có nhờ đưa người nhà vào khám bệnh. Tôi nhận lời. Một phụ nữ độ tuổi trung niên trông khắc khổ và lam lũ đến gặp tôi. Bằng giọng lo lắng, chị nói rằng con chị bị bệnh tim, đã đi khám nhiều nơi nhưng chưa được điều trị nên đến bệnh viện tôi xin khám lại. Tôi bảo chị cứ xuống đặt sổ để được khám theo đúng trình tự nhưng chị không yên tâm, cứ nằng nặc nhờ tôi đưa xuống tận nơi, gặp bác sĩ để nhờ cho chắc chắn. Tôi đành gác việc lại, đưa hai mẹ con chị xuống phòng khám chuyên khoa và nhờ một đồng nghiệp cho chị cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn. Rồi tôi cũng quên bẵng việc đó cho đến khi chị gọi lại, hồ hởi thông báo rằng con chị đã được khám rất cẩn thận, được tư vấn kỹ càng về bệnh tật và được hẹn khám lại định kỳ. Chị nức nở khen rằng chưa thấy ở đâu mà mẹ con chị lại được đón tiếp ân cần, nhẹ nhàng đến thế. Cậu con chị từ trước đến nay cứ trông thấy người mặc áo blouse trắng là sợ, thế mà bây giờ nó cứ líu lo với mấy cô điều dưỡng cả ngày không hết chuyện. Chị cũng nói rằng, hôm mới vào, vì quá lo nên cũng đã chuẩn bị phong bì và đưa biếu nhưng không ai nhận. “Các cô ấy bảo chị cứ giữ lại, mua đường sữa cho cháu tẩm bổ. Chị cảm động quá em à, cám ơn em nhiều nhé,…”. Tôi vội cắt ngang lời chị, nói rằng bệnh viện bây giờ đã thay đổi nhiều rồi, thái độ ứng xử như vậy là đối với tất cả mọi người, chứ không phải do quen thân mới được như thế đâu: "Người mà em nhờ, thực ra không làm ở khoa đó, em chỉ làm thế cho chị khỏi lo lắng thôi mà". Chị bảo: “Thì chị biết đâu được, cứ tưởng…”.
Tiễn chân mẹ con chị ra về, tôi cứ suy nghĩ mãi. Thực tế không ít bệnh nhân sợ hoặc rất ngại vào viện, nơi mà lẽ ra sẽ là địa chỉ họ nghĩ đến đầu tiên mỗi khi mệt mỏi, ốm đau và khi bắt buộc phải vào khám chữa bệnh thì việc đầu tiên là tìm cho ra được người quen để nhờ cậy hoặc chuẩn bị sẵn “phong bì” để gặp các thầy thuốc cho yên tâm. Nhờ một người chưa đủ, họ có thể nhờ tất cả các mối quan hệ sẵn có, trong và ngoài ngành y để “xem giúp” cho người nhà.
Tại sao lại có tình trạng như vậy? Do những tiêu cực? Do điều kiện kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân? Do tâm lý người bệnh?... Hay tất cả những yếu tố trên? Rõ ràng những hiện tượng nêu trên về bản chất chính là sự thiếu tin tưởng của người bệnh đối với những người làm ngành y. Khi vào khám chữa bệnh, người bệnh vẫn thắc thỏm với những qui định dán đầy tường, với những khẩu hiệu trên các băng-rôn to tát giăng khắp mọi nơi, thậm chí, ngay cả khi được đón tiếp chu đáo, họ vẫn cảm thấy không an lòng. Điều đó khiến họ phải tìm kiếm một sự đảm bảo khác là “nhất thân, nhì quen”, là “phong bì”, là “quà cáp”…
Hệ thống y tế đang chuyển mình và khởi sắc với trọng tâm là đổi mới tinh thần thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Người bệnh chỉ thực sự hài lòng, chỉ đến khi họ có niềm tin. Niềm tin đó một thời gian dài đã bị xói mòn, bị mai một và bây giờ trách nhiệm của chúng ta là phải gây dựng lại. Đây là một công việc khó khăn và không thể một sớm một chiều, cũng không phải bằng những lời hô hào chung chung, những phong trào bùng lên rồi tắt ngấm mà bằng những việc tưởng chừng rất nhỏ mà không hề nhỏ như những bát cháo từ thiện, một lời chỉ dẫn ân cần, một nụ cười, một ánh mắt cảm thông chia sẻ... hay đến những việc làm đầy tính nhân văn của các bác sĩ Bệnh viện Vị Xuyên đã mang hòm quyên góp ra chợ xin từ thiện để cứu hai bé song sinh, bác sĩ từ bỏ giàu sang về quê khám bệnh...
Tôi nhớ mãi ánh mắt và giọng nói tin tưởng của chị người quen khi cho con ra viện: “Từ nay có vấn đề gì chị sẽ cho cháu tới bệnh viện này khám, các cô chú ở đây tốt quá!”.
Nguyễn Phương Thảo (Bệnh viện E Trung ương)