Không phải là hoa, cây cảnh mà là rau xanh. Người dân đô thị đang có một trào lưu đưa rau xanh lên trồng ở tầng thượng, ban công, thậm chí hành lang, cầu thang.
Không phải là hoa, cây cảnh mà là rau xanh. Người dân đô thị đang có một trào lưu đưa rau xanh lên trồng ở tầng thượng, ban công, thậm chí hành lang, cầu thang. Cái được là giải quyết nhu cầu rau sạch ăn trước mắt, nhưng về lâu dài, điều đó chứng tỏ khía cạnh mỹ quan đô thị chưa được đảm bảo. Đặc biệt, không ít hộ ngoài trồng rau còn làm chuồng chăn nuôi gà vịt, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Nhà nhà trồng rau
Người dân Hà Nội đã quá quen thuộc với hình ảnh những vườn rau trên tầng thượng xanh tốt. Đó là thành quả của biết bao ngày dày công đầu tư thời gian, tiền của chăm sóc. Nhiều mô hình được giới thiệu trên báo, mạng xã hội, thậm chí với sự chia sẻ, tương tác nhanh chóng của facebook, việc tìm hiểu những người có thâm niên mấy chục năm tự làm nông nghiệp trong đô thị. Dẫn khách lên thăm mô hình trồng rau của gia đình, bà Nguyễn Thị Quyên ở tổ 55 phường Mai Động (Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi đã giữ thói quen trồng rau được hơn chục năm. Các cháu rất ủng hộ. Đa số anh chị em trong họ mạc nhà tôi đều tận dụng mọi điều kiện để trồng rau ăn. Mùa nào thức ấy”.
Tầng thượng là nơi được tận dụng để làm vườn rau.
Qua tâm sự, bà Quyên cho biết, ở cả ba tầng của ngôi nhà đều tận dụng để trồng rau với tổng gần 70 thùng nhựa. Loại rau phổ biến nhất là rau muống, mồng tơi, rau cải, các loại rau làm gia vị. Cách nhà bà Quyên không xa, hộ ông Nguyễn Hữu Thành cũng đầu tư thời gian, giá thể, giống để trồng rau phục vụ bữa ăn cho gia đình. “Giữa lúc ra chợ mua gì cũng sợ, nhất là rau. Người ta phun thuốc vô tội vạ, rửa ở chỗ nước bẩn không bảo đảm vệ sinh, buộc chúng tôi phải tự trồng lấy để ăn. Không gì bằng sức khỏe anh ạ. Nhưng ngẫm thấy đây cũng là công việc cực chẳng đã”.
Một trong những nơi có nhiều hộ trồng rau trên sân thượng là phường Khương Mai, quận Thanh Xuân. Thậm chí có xóm nhà nào cũng trồng rau do các hộ học nhau. Ông Nhâm Đình Hùng ở số nhà 38/3 Cù Chính Lan, phường Khương Mai chia sẻ rằng gia đình đã duy trì vườn rau trên tầng thượng được hơn chục năm. Dẫn khách lên “ngôi vườn trên cao” rộng hơn 30m2 trên tầng 4 của ngôi nhà, ông Hùng tâm sự: “Gia đình tôi không phải mua rau, thi thoảng mua ngoài hoa quả và bầu, bí hoặc khoai tây. Ở đây mùa nào thức ấy, các loại rau ăn lá đều rất dễ trồng”.
Qua tìm hiểu, người dân phường Khương Mai có kinh tế khá giả. Nhiều gia đình khá giả đã thuê cả người trồng, chăm sóc rau tại gia để được thưởng thức bữa ăn ngon, an toàn. Thậm chí có người đầu tư vài chục triệu đồng, “bê” một góc làng quê về nhà mình.
Ông Phạm Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai và ông Bùi Cao Ly - người trồng rau trên tầng thượng hơn 20 năm ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn cho biết, hiện tượng bà con trồng rau sạch là muốn được dùng bữa cơm an toàn. Điều đó là hiển nhiên và thiết thực. Điều đó chứng tỏ nhu cầu thưởng thức, ăn sạch là rất lớn. “Nhưng đô thị ngày càng chật. Không phải nhà nào cũng có điều kiện để trồng rau. Họ muốn nhưng đành chịu và phó mặc sức khỏe cho những người bán rau ngoài chợ”, ông Ly chia sẻ.
Chuyện cực chẳng đã
Hiện nay, việc chia sẻ trên facebook diễn ra thuận lợi, từ đó kéo theo nhiều trường hợp cùng rủ nhau trồng rau, thậm chí đến nhiều cơ quan, chủ đề trồng rau được nhắc đến thường xuyên và liên tục. Thế nhưng không phải ai cũng thích tự làm nông nghiệp, mà điều đó trở thành chuyện cực chẳng đã. Ông Phạm Văn Thanh ở ngõ 624 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, người đã tận dụng tất cả ban công đằng trước và sau ngôi nhà để trồng rau vào các hộp xốp cho hay: “Gia đình tôi đã trồng rau đến chừng 22 năm rồi. Trước đây là nhu cầu rồi trở thành thói quen và tôi vẫn giữ. Nhưng với bè bạn tôi đến tham khảo, hỏi họ thì được biết vấn đề này đã trở thành chuyện cực chẳng đã. Bởi họ không biết nên mua rau thế nào cho an toàn. Điều này chứng tỏ sự quản lý thất bại về an toàn thực phẩm chứ. Chúng tôi cũng biết là làm việc không chuyên thì rau sẽ không ngon đâu. Thời gian rảnh rỗi tuổi già thì nên được chơi với cháu con, chăm sóc cây cảnh, tìm đến các thứ chơi nhưng đằng này phải lọ mọ trồng rồi tưới. Cũng bận như nuôi con mọn ấy”.
Cảnh lụp xụp xen lẫn nhếch nhác, pha tạp ở các khu nhà chung cư cũ.
Qua ông Phạm Văn Thanh giới thiệu, tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Phúc cách nhà ông Thanh không xa. Ông Phúc hiện cũng trồng mồng tơi, rau ngót, rau muống, hành, ớt… trên diện tích hơn 20m2 của tầng thượng. Ông cho biết, vườn rau cho nguồn rau khá tốt nhưng cũng phải đầu tư thời gian, công sức. “Thời tiết thì nóng, rau cỏ trên này khó sống lắm nếu không được chăm sóc tử tế, che chắn và tưới tắm rất cẩn thận, không thì chẳng được ăn đâu”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phúc, trước đây, gia đình có cơm thừa canh cặn, ông đều dồn vào và bỏ đi, nay sẽ giữ lại ủ để làm phân hữu cơ tưới cho rau. Việc làm ấy khiến ngôi vườn bốc mùi hôi thối, thậm chí là chỗ chuột bọ làm tổ. Ông Phúc chia sẻ: “Các con thấy hai vợ chồng vất vả chăm vườn rau thì nói là vài mớ rau có đáng bao nhiêu tiền đâu mà phải vất vả trồng. Tôi biết vậy, sinh hoạt trong gia đình tiền mua rau không hề nhiều. Nhưng còn cách nào khác, nếu mua rau ngoài chợ về mà cứ lo ngay ngáy?”.
Về điều này, theo KTS Trần Huy Ánh, chính người trồng rau đang làm mất đi mỹ quan đô thị, tính chuyên môn hóa và sự thân thiện với môi trường. Ông Ánh chỉ ra, con người tề tựu về đô thị là muốn thực hiện những ước mơ, bởi thế cần phải biết sống dựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Ông Ánh nói: “Nếu chỉ vì để được ăn rau sạch mà khu nhà mình trở thành chỗ nuôi chuột, muỗi, thành ổ ô nhiễm thì không nên. Hay như chuyện chăn nuôi gà vịt trong đô thị làm ô nhiễm không khí cũng vậy. Chúng ta phải học cách sống chung và hòa thuận chứ. Nhưng chúng ta khoan hãy trách người dân. Lỗi là cơ quan quản lý đã không giúp cho người dân được sử dụng tốt nhất quyền ăn rau sạch”.
Đồng quan điểm ấy, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội lý giải thêm, khi người dân đô thị phải tự ứng phó với các hành động cân điêu đong thiếu, mất an toàn của rau xanh ngoài chợ, chứng tỏ chất lượng sống đi xuống. Đây là thất bại của hệ thống bán lẻ. Bởi khi chất lượng sống tốt là người ta thoải mái mua rau ngoài chợ mà không lo ngại bất cứ điều gì.
Giải pháp nào?
Theo chính những người dân đang cày cục làm đất, trồng rau, thậm chí trồng rau ngoài rìa sông, cạnh các khu đất trống trong đô thị, giải pháp triệt để chính là bảo đảm sự an toàn của nguồn thực phẩm, trong đó có rau xanh. Khi người dân an tâm với thực phẩm họ tự khắc sẽ đầu tư tâm sức cho việc khác chứ không phải lúc nào cũng làm đất, trồng, tưới. Theo KTS Nguyễn Lân, chúng ta trồng cây cảnh, hoa để trang trí hay để lấy màu xanh, bóng mát thì được. Chứ đã phải làm nông nghiệp như thế là không ổn. Nó khiến đô thị nhếch nhác, làm nghèo đô thị ở khía cạnh mỹ quan, văn hóa, môi trường và cả nề nếp sinh hoạt. “Làm nông nghiệp như vậy gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Tại sao vì để được ăn sạch mà lại làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người chung quanh?”, ông Nguyễn Lân bày tỏ.
KTS Nguyễn Lân trăn trở: “Việc quản lý, nhắc nhở người trồng rau cây cảnh trong nhà dân thuộc trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và UBND các phường, xã. Nhưng bàn tay quản lý vẫn chưa chạm tới một mảng rất sôi động trong đô thị hiện nay”.
Nhiều chuyên gia, thậm chí cả những người dân trồng rau lớn tuổi có chung quan niệm, cuộc sống phát triển thì càng phải chuyên môn hóa. Không nên quay về lối sống tự cung tự cấp. Do đó, không có cách nào khác, cần phải khắc phục lại chức năng và lòng tin ở các chợ. Hiện tượng người dân ngại đến chợ mua rau, phải tự sản xuất rau là cái yếu kém của hệ thống bán lẻ, siêu thị và thêm một lần thất bại nữa là công tác quản lý đô thị. Kế hoạch thế nào xin chờ đợi phía cơ quan chức năng.
Bài, ảnh: Thụy Khanh